Đó là một buổi chiều Chúa nhật buồn khi tôi có dịp đến thăm gia đình vợ chồn người mù, hai bác Hội Lan. Khung cảnh thê lương như phủ kín không gian, bởi căn nhà xập xệ được dựng tạm trong khu đất của nghĩa trang xóm đạo.
Bà dẫn ông đến nhà thờ mỗi chiều
Bên trong những mảnh gỗ mục nát chắp nối nhau là một người phụ nữ với lớp da nhăn nhúm phủ lấp nửa khuôn mặt đang cần mẫn chăm sóc cho một người đàn ông mù lòa. Hai phận đời trôi ngược bởi bom đạn chia ly nơi vùng đất Quảng Trị, theo đoàn người di cư vào vùng đất nắng gió Ninh Thuận và rồi họ chợt thuộc trọn về nhau.
Tôi không biết hai bác đến với giáo xứ tôi tự lúc nào. Từ bé, hình ảnh một người phụ nữ dẫn người đàn ông đến nhà thờ khi chiều về, rồi đặt ông vào chỗ ghế đầu tiên đã trở nên quen thuộc đối với tôi.
Vết thương trên đôi mắt bác trai là do những mảnh đạn vô tình. Phần vết thương trên khuôn mặt bác gái là bởi di chứng của căn bệnh phong, chỉ còn một mắt. Ngày trước, tôi chỉ biết hai bác sống bằng nghề ăn xin. Những đồng tiền do người khác rộng tay tuy không nhiều, nhưng vẫn giúp hai bác chăm sóc chính mình và nuôi nấng ba người con lớn lên.
Bác gái tâm sự với tôi rằng: “Vẻ bề ngoài của bác làm người khác sợ hãi nhiều hơn là đồng cảm. Chính điều đó làm bác mặc cảm khi muốn kiếm tìm một công việc ổn định cho bản thân!”.
Nghe những lời chia sẻ ấy, tôi chẳng biết nói thêm điều gì, tôi chỉ biết tạ ơn Chúa khi bản thân mình được lành lặn và không mang dấu vết của tật nguyền. Nhưng rồi, công việc ăn xin ấy, hai bác đã thôi cách đây nhiều năm. Hai bác quyết định trang trải cuộc sống bằng những công việc khác. Dẫu khổ hơn nhưng đó là những thứ hai bác đánh đổi bằng sức lực, nước mắt và những giọt mồ hôi.
Đến với những công việc mới, bác gái là người lao động chính. Đó là những công việc không tên khi một ai đó thuê mướn, nếu có thể bác sẽ làm để kiếm thêm chút rau chút cá cho những bữa cơm.
Đó là những cành củi hay ve chai được bác lượm lặt, những bao tải keo hay me được bác chắt chiu khắp nơi, phơi khô, bóc vỏ rồi đem bán cho những người thu mua. Đó là những lần gánh nước, trộn hồ cho những người xây mộ nơi nghĩa trang để kiếm thêm thu nhập.
Cứ vậy, cuộc sống của gia đình hai bác vẫn lặng lẽ tiếp diễn mãi cho đến bây giờ. Cái nghèo cứ thế ám ảnh cả gia đình.
Căn nhà xiêu vẹo bên những nấm mồ
Phần những đứa con, đứa đầu của hai bác nay đã lập gia đình, hai đứa sau đi làm xa chỉ phụ giúp hai bác đôi phần với những đồng tiền nhỏ giọt. Kể đến đây, tôi nghe trong gió tiếng thở dài não ruột, trong hơi thở tâm sự ấy chất chứa những nỗi buồn miên man: “Chịu thôi thầy ơi! Hai tụi tui cứ nương nhau mà sống, con cái cũng khổ trăm bề nên mãi sống như vậy thôi”.
Khi đặt chân đến ngôi nhà nhỏ, xung quanh là những nấm mồ, tôi như ngỡ ngàng trước tất cả. Căn nhà của hai bác xiêu vẹo, mọi thứ đều do sự chắp vá của các ân nhân. Người cho mái tôn, người cho tấm cửa, người góp sức xây dựng… Và rồi làm nên một căn nhà ván vừa đủ cho hai bác chống nắng che mưa.
Tuy tật nguyền là thế, nhưng trái tim bác vẫn rực sáng yêu thương. Tôi ước chi, các bạn trẻ ngày nay hiểu thấu những lời lẽ thấm thía nghĩa tình gia đình này.
Dẫu là thế, nhưng bàn thờ Chúa, Mẹ, ông bà vẫn được hai bác bày biện cách chu đáo. Bởi với hai bác đó là nguồn an ủi duy nhất khi hai mái đầu đã ngã màu mà chẳng có con cháu ở bên.
Ngồi nói chuyện thật lâu giữa khung trời ảm đạm, tôi mạnh dạn hỏi hai bác một điều cứ luẩn quẩn trong suy nghĩ. Tôi hỏi hai bác có buồn và cảm thấy trách than Chúa hay không, khi cảnh đời gia đình hai bác mãi cơ cực như lúc này?
Bác trai đưa hai hốc mắt nhìn về xa xăm, tôi không biết nơi đôi mắt không còn nguyên vẹn ấy hiện lên những gì, nhưng tôi vui khi nhận được câu trả lời của bác: “Trách Chúa là điều con người vẫn thường làm thầy ơi! Vì là con người nên đôi lúc tui cũng thế! Nhưng tui vẫn tạ ơn Chúa nhiều hơn, Chúa lấy đi đôi mắt của tui nên tui không thấy được cái giàu nghèo sang hèn ngoài kia để so sánh phân bì, nhưng bù lại Chúa ban cho tui một người vợ tuyệt vời! Chỉ có bà ấy mới có thể chấp nhận, chịu đựng và hi sinh vì tui bấy lâu nay”.
Nghe những lời ấy, tôi cảm phục bác biết dường nào. Tuy tật nguyền là thế, nhưng trái tim bác vẫn rực sáng yêu thương. Tôi ước chi, các bạn trẻ ngày nay hiểu thấu những lời lẽ thấm thía nghĩa tình gia đình này.
Ngay lúc này đây, khi viết xuống những dòng chữ này, tôi vẫn thấy bản thân mình thật có lỗi. Bởi từ trước tới giờ, tôi vẫn thường ngang qua căn nhà của hai bác. Đôi mắt tôi vẫn sáng để nhìn thấy những gì đang tiếp diễn, nhưng sao tôi không hành động điều gì? Hay liệu rằng, tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu?
Tạ ơn Chúa đã cho tôi được biết, tìm đến, gặp gỡ, và mở mắt trái tim tôi để tôi nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh. Cảm ơn hai bác đã cho tôi những chia sẻ thân tình, những lời xác tín của những con người luôn tin tưởng vào Lòng Chúa thương xót. Cảm ơn hình ảnh một gia đình thật đẹp, nơi chứa đựng những con người tuy mù lòa thể xác nhưng luôn rực sáng quả tim biết yêu thương.
Câu chuyện của gia đình hai bác Hội – Lan, sống tại Hạnh Trí 2, Quảng Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận. |
HẢI MIÊN, Đại Chủng viện Sao Biển