Xuất khẩu… ơn gọi

Khởi đi từ những gia đình Công giáo người Việt hiện diện khắp nơi trên thế giới, cách riêng tại Hoa Kỳ và các nước như Pháp, Đức, Úc, Canada... đã trổ sinh rất nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Nhìn vào những tấm gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không thể không tạ ơn Chúa vì Người đã gởi những nhà truyền giáo từ các nước phương Tây xa xôi đến với quê hương đất nước nhỏ bé của chúng ta.

Nhờ những hy sinh dấn thân của các ngài, trong đó có nhiều vị đã chịu trăm bề thử thách và đã đổ máu đào thấm vào mảnh đất hình chữ S này mà ngày nay, chỉ sau khoảng 500 năm, hạt giống đức tin, đã mọc lên hầu như trên khắp mọi miền đất nước. Từ đây, ơn gọi dâng hiến cũng đâm chồi nảy lộc và bước chân của các nhà truyền giáo Việt Nam lại toả đi muôn phương.

Các thầy Dòng Chúa Cứu Thế Hải ngoại trong lễ tiên khấn, năm 2016.

Ơn gọi người Việt tại hải ngoại

Những ơn gọi sống đời dâng hiến và phục vụ trong đời sống tu trì nơi giới trẻ Việt Nam tại các nước vẫn không ngừng gia tăng. Trong khi hiện nay tại nhiều nước khác, nhất là tại châu Âu và châu Mỹ lại giảm sút trầm trọng.

Riêng tại Hoa Kỳ, theo trang mạng của một đại học Công giáo, vào năm 2017, con số các linh mục Việt Nam làm việc rải rác trên toàn quốc đạt mức trên 950 vị. Về các linh mục dòng thì Dòng Đồng Công, nay gọi là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, có tới gần 100 cha. Sau đó là Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời, Dòng Tên, Dòng Đa Minh…

Về các Giám mục gốc Việt Nam tại hải ngoại, không kể Đức cha Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange, USA qua đời vào 6-12-2017, hiện có bốn vị khác nữa, đó là Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long (Úc), Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu (Canada), Tôma Nguyễn Thái Thành (USA) và Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka.

950
là số linh mục Việt Nam đang làm việc trên toàn nước Mỹ.

Số liệu thống kê năm 2017

Ngoài ra, tại nước ngoài, cách riêng tại Hoa Kỳ, còn có nhiều tu sĩ và các phó tế vĩnh viễn người Việt đang hiện diện và làm việc mục vụ ở khắp nơi. Lại cũng có các linh mục tu sĩ sinh trưởng tại Việt Nam hay tại hải ngoại, nhưng được gởi đến những nước khác để học tập hoặc làm việc. Nhiều vị có những chức vụ quan trọng, góp phần không nhỏ cho Giáo hội toàn cầu.

Chúng tôi được biết, cũng có những linh mục không có quốc tịch Việt Nam, hoặc lớn lên và được đào tạo tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, nhưng đã thường xuyên trở lại, sống và hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lãnh vực.

Trong khi đó, hiện nay vẫn có những giáo phận hay dòng tu tại hải ngoại đón nhận những ứng viên ơn gọi tu trì từ Việt Nam để được đào tạo, sau đó các linh mục, tu sĩ này ở lại làm việc vĩnh viễn hoặc theo hợp đồng một thời gian.

Rạng danh Chúa và theo gương tiền nhân

Giáo hội Công giáo ở quốc gia nào thường cũng có những linh mục tu sĩ gây ra những gương xấu, khiến các đấng bản quyền địa phương và Đức Giáo hoàng phải chịu những phê phán không tốt, như đã xảy ra tại một số nước châu Âu. Các linh mục Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài và cả trong nước cũng không tránh khỏi tình trạng này.

Tuy nhiên, thành phần này là những con số rất nhỏ, so với những nét cao quí thánh thiện mà Thiên Chúa đang thực hiện qua Hội thánh Công giáo trên toàn thế giới, cách riêng tại Việt Nam.

Các tu sĩ Xi-tô, Tu viện Đức Mẹ Fatima ở Orsonnens, Thụy Sĩ. Tu viện do các tu sĩ người Việt lập vào năm 1979.

Cha Việt Châu, SSS, trước kia đã từng giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đồng thời là Chủ nhiệm Báo Dân Chúa (Mỹ Châu), cho chúng tôi biết:

“Các linh mục, tu sĩ gốc Việt đang làm việc cho Giáo hội Hoa Kỳ từ trước đến nay luôn được đánh giá rất cao về sự hy sinh tận tụy trong việc phục vụ, cách riêng cho người bản xứ tại các cộng đồng hay giáo xứ.

Họ được đào tạo tại các học viện của các dòng hoặc tại các đại chủng viện của nhiều giáo phận của Hoa Kỳ. Khi làm việc cho những giáo xứ Mỹ, đa số cácl inh mục dù còn rất trẻ và mặc dù vẫn giữ được ngôn ngữ, những nét văn hóa Việt Nam do có nhiều thời gian sống chung với gia đình, nhưng đã thích nghi rất tốt với văn hóa của Mỹ. Vì thế, họ luôn nhận được sự kính trọng và thán phục của giáo dân, của các đấng bản quyền”.

Ngoài ra, tại các cộng đoàn hay giáo xứ có người Việt Nam, các linh mục, tu sĩ, giáo dân đã mang văn hóa Việt đến cho người bản xứ, qua những tập tục của các lễ hội, đặc biệt hơn cả là vào dịp Tết Thiếu nhi và Tết Nguyên đán của người Việt.

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã mang văn hóa Việt đến cho người bản xứ, qua những tập tục của các lễ hội.

Tại nhiều cộng đồng và giáo xứ có người Việt, mặc dù rất hạn chế về thời gian, nhưng vào tháng 5 hàng năm, nhiều nơi vẫn có các nhóm dâng hoa kính Đức Mẹ như tại quê nhà. Vào Mùa Chay và Tuần Thánh, vẫn còn giữ tập tục ngắm đứng và tháo đinh táng xác Chúa.

Không kể những món ăn thuần túy Việt, những giai điệu, vũ điệu mang bản sắc Việt, người bản xứ ở những nước có sự hiện diện của người Việt còn nhận ra nhiều giá trị cao đẹp khác nữa, như lòng hiếu thảo dành cho ông bà, cha mẹ và tình người đối với nhau vào các dịp lễ trong năm.

Người Công giáo Việt Nam sẽ luôn nhớ ơn các bậc tiền nhân, các nhà truyền giáo, trong đó có các Thánh Tử đạo tại Việt Nam. Các ngài đã đem ánh sáng văn minh và Tin Mừng của Chúa đến cho chúng ta.

Ngày nay, đến lượt chúng ta, đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô và cũng để tri ân tổ tiên, quyết tâm sống ơn gọi làm tông đồ, gieo rắc niềm tin mà chúng ta đã có đến cho mọi người khắp mọi nơi trên mặt đất này.

LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS

>> Thầy Đại Chủng sinh viết vọng cổ cho Lời Chúa