‘Ông cha đồ cổ’ Giuse Nguyễn Hữu Triết đã hóa thiên thu

Đứng trước linh cữu của ngài, Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, chánh xứ Giáo xứ Tân Sa Châu, TGP Sài Gòn, tôi vẫn không tin rằng “ông cha đồ cổ” trong loạt bài viết của tôi năm xưa đã hóa thiên thu.

TÂM NGỌC

Chẳng biết từ khi nào, tôi cảm mến vị linh mục bình dân, chánh xứ một giáo xứ lớn, ở giữa đất Sài Gòn hoa lệ này. Có lẽ bởi lân la hỏi chuyện rồi viết loạt bài về thú chơi đồ cổ của ngài, mà đa phần là cổ vật Công giáo chăng! Mà điều đó có quan trọng gì đâu! Quan trọng là tôi nhận thấy ở ngài một sự uyên bác, thâm sâu, một tấm lòng thương yêu người nghèo vô vị lợi, một người cha hiền lành và là một linh mục vui tươi, dí dỏm nữa.

Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết trả lời Đồng Hành số 6 trong chuyên đề nói về sự mê tín trong một số tín hữu.

Nhớ ngày đó, mê kho sách cổ của ngài, rồi thích thú với hàng trăm cổ vật ở Giáo xứ Tân Sa Châu, cứ thỉnh thoảng, ghé ngài nghe ngài kể câu chuyện đồ cổ, với lối nói bình dân, ngài kể cho tôi nghe lịch sử của từng món đồ có trong nhà, rồi những cuốn sách có từ thời nào, ai viết, đã bao nhiêu năm. Thường thì những cuốn sách đó có tuổi đời hơn tôi rất nhiều, vài chục, có khi lên đến trăm tuổi. Thế rồi loạt bài Khám phá kho đồ cổ cha Triết ra đời.

Cũng nhờ đó, tôi biết được thêm về lịch sử Việt cũng nhưng lịch sử truyền giáo của Giáo hội Việt Nam. Chẳng hạn như cây thánh giá của vua Bảo Đại, các cuốn sách của Trương Vĩnh Ký, tranh xưa… Nhiều lúc thấy cái này lạ, cái kia lạ, tôi hỏi.

Bằng một giọng bình dân dí dỏm rất riêng, ngài nói: “Thì ông thêm vô mới có chớ làm sao có, ngu thế!”. Cách nói chuyện của ngài, làm tôi thấy ấm áp, thân thương như đang sống giữa một giáo xứ truyền giáo của giáo phận truyền giáo vậy.

Nhưng đâu chỉ có thú mê đồ cổ! Cha còn tổ chức hoặc hướng dẫn giáo dân tổ chức nhiều hoạt động, nhiều chương trình cho người nghèo đang mưu sinh ở Sài Gòn: Bàn ăn yêu thương, xe bánh 2.000 đồng, bình nước miễn phí, gian hàng không đồng… Khi Sài Gòn bùng dịch, cũng chính nơi Giáo xứ Tân Sa Châu là một trong những nơi có sáng kiến để nâng đỡ người khó khăn, giúp họ vượt qua dịch bệnh.

Chưa kể, hiếm có giáo xứ nào ở Sài Gòn mà luôn mở toang cánh cổng như Tân Sa Châu. Thắc mắc thì nghe giáo dân nói cha muốn thế. Để chi? Để trời trưa nắng nóng, thì dưới tàng cây, chiếc ghế đá, hiên nhà thờ là nơi nghỉ ngơi của cô bán ve chai, chú bán vé số, anh shipper…

Nếu ngài không là một mục tử dấn thân, yêu thương người nghèo khổ, làm gương cho con cái trong giáo xứ, thì có lẽ những hoạt động bác ái ấy đã không có nơi giáo xứ Tân Sa Châu này. 29 năm, từ 1993 đến 2022, chánh xứ Tân Sa Châu, chắc chắn ngài để lại không ít gương lành cho giáo dân nơi đây! Tôi cảm phục ngài ở điều đó.

Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết cũng là một con người cầu nguyện. Tôi thường thấy ngài cầu nguyện, hay lần hạt sau lễ chiều. Hình ảnh một linh mục cao niên, đi đi lại lại trong sân nhà thờ, làm cho người ta cũng cảm thấy muốn trở nên sốt mến hơn việc thiêng liêng.

Có một lần, sau lễ, ngài gọi tôi và tặng cho tôi một bức tượng Đức Mẹ, lạ lạ, đẹp đẹp, rồi ngài dặn: “Nhớ lời cha, cầu nguyện với Đức Mẹ nghen con!”.

Thú thật, hồi đó, tôi chẳng mấy khi chạy đến với Mẹ. Nhưng rồi sau đó, tôi đến với Mẹ nhiều hơn và chính Mẹ đã dẫn tôi đến với Giê-su con Mẹ, trong một chiều mưa tại Lavang!

Hôm nay, có con bé cúi đầu trước linh cữu cha, nhớ về cha, vị linh mục thích sưu tầm cổ vật Công giáo đã về với thiên thu, vĩnh hằng, nơi có Đấng mà cha tôn thờ đang dang tay ôm cha vào cung lòng của ngài. Cám ơn cha, nhớ cha: Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết.

Bài viết của cha Triết trong chuyên đề bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo
  • Linh mục Giu-se Nguyễn Hữu Triết là thành viên Ban Cố vấn tạp chí Đồng Hành. Ngài luôn động viên Ban Biên tập, có những góp ý thiết thực để nội dung Đồng Hành ngày càng tốt hơn. Khi thì gặp gỡ trao đổi trực tiếp, lúc gọi điện, lúc thì gửi email… cha luôn đau đáu với nội dung của Đồng Hành, mong muốn Đồng Hành là một kênh làm tông đồ qua lĩnh vực văn hóa, truyền thông.
  • Cha trả lời phỏng vấn, viết bài trong rất nhiều chuyên đề quan trọng của Đồng Hành: Chuyên đề về người Công giáo mê tín với bài Tin lời thầy bói là chối bỏ quyền năng Chúa; Chuyên đề Bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo: Đừng khoanh tay nhìn cổ vật nhà thờ chảy máu; Hát nhiều nhưng chưa đúng phụng vụ…