Những trận dịch đậu mùa ở xứ truyền giáo Tây Nguyên

Ở Tây Nguyên, Miền truyền giáo Kontum cũng đã từng bị chao đảo vì đại dịch. Bệnh đậu mùa, hay bệnh trái, là một bệnh dịch nguy hiểm, dai dẳng, tái đi tái lại cướp đi nhiều sinh mạng, trước khi trên Miền Thượng có đủ vắc-xin để khống chế.

Nhà thờ Chính toà Kontum năm 1947. Ảnh tư liệu

Cắm chông quanh làng để cách ly

Người sắc tộc Tây Nguyên không ghét sợ điều gì cho bằng bệnh trái. Trong ký ức từ thời xa xưa mang đậm nét mê tín, người ta nghe kể lại “thần trái” đã từng xuất hiện phá hại tổ tiên của họ rất dữ dội, nên họ sợ đến nỗi kiêng cữ không ai được nhắc đến tên nó, vì sợ “thần trái” nghe mà phải khốn!

Trong một thời gian dài, họ tin rằng nhờ giữ kiêng như vậy mà “thần trái” đã ngủ quên! Ngờ đâu, vào đầu thập niên 1860, không có ai đụng chạm hoặc nói tới tên gì, mà đang không dịch này lại thức dậy rảo hại khắp nơi một cách ghê rợn!

Linh mục Phêrô Dourisboure (Cố Ân), vị thừa sai đã sống trên 35 năm nơi Miền Truyền Giáo Kontum đã thuật lại:

“Cộng đoàn Kitô hữu đang vui hưởng một cuộc sống yên lành. Đàn chiên nhỏ bé của Vị Mục Tử Nhân lành càng ngày càng thêm đông… Bỗng, Thiên Chúa tốt lành gửi đến cho chúng tôi một đau khổ lớn lao, chắc chắn là lớn hơn tất cả những đau khổ khác mà miền truyền giáo cho anh em dân tộc của chúng tôi đã từng phải chịu đựng. Tôi muốn nói đến cơn dịch đậu mùa trong suốt hai năm đã tàn phá cả miền, cướp đi gần một nửa số dân, và làm giảm hơn một phần ba số Kitô hữu(P. Dourisbour, Dân Làng Hồ).

Hoàn cảnh xảy ra bệnh dịch như sau: Có một giáo dân người Kinh ở An Sơn (An Khê ngày nay) vì cuộc sống khó khăn, nghèo khổ đã từ bỏ làng cũ để đến Rơhai (TP. Kontum ngày nay) xin lập nghiệp làm ăn. Dọc đường, anh đã mắc bệnh đậu mùa, khi đến Rơhai thì bệnh đã nặng và anh ta chết. Kế đến ít người Kinh bị lây bệnh, rồi sau đó người làng Rơhai cũng mắc phải. Lúc đó Cha Do vừa mới đi Bình Định, chỉ còn một linh mục người Việt khác ở làng Kontum kề cận với làng Rơhai.

“Ngay khi người dân tộc thiểu số biết tin này, thì một nỗi kinh hoàng bao phủ toàn vùng, trải rộng đến hai mươi dặm quanh Rơhai. Dân làng Kontum, kể cả những Kitô hữu, cắt đứt liên lạc với Rơhai, đốn cây chắn ngang đường, cắm chông xung quanh hai làng. Họ cấm tất cả mọi người, kể cả linh mục, không được tiếp xúc với bệnh nhân” (P. Dourisbour, Dân Làng Hồ).

Các công việc phụng tự, mục vụ đều ngưng lại. Khi bệnh dịch còn bó hẹp trong phạm vi làng Rơhai, thì vị linh mục ở làng Kontum cũng đã nhiều lần “phá lệ”, nhờ người hướng dẫn vượt qua hàng rào chắn và chông gai để vào làng Rơhai. Họ đi vào ban đêm để tránh tiếp xúc với nhiều người, và cũng chỉ làm công việc cần thiết nhất: Ban các bí tích sau hết cho bệnh nhân hoặc ban Phép Rửa tội cho những người hấp hối. Những việc làm này mãi về sau Cha Bề trên Dourisboure mới biết và ngài gọi đó là “trò gian lận bác ái”!

Mặc dù thi hành triệt để luật cách ly, mỗi cổng ra vào làng đều đóng kín, nhưng vì môi trường đã bị ô nhiễm nên bệnh dịch vẫn lan tràn khắp nơi, ra ngoài phạm vi của hai làng Rơhai và Kontum.

Các cha lo cơm nước, thuốc men

Ở Kon Kơxâm, phía đông của Miền Truyền Giáo, nghe các làng chung quanh bị bệnh đậu mùa lan đến phá hại, thì dân làng sợ lắm, cũng rào đường chắn ngõ kỹ lưỡng, không cho ai ra vào hết và cũng kiêng cữ dữ lắm. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, hai linh mục đang ở tại chỗ là Cha Dourisboure (Cha Ân) và Cha Besombes (Cha Kính) đã cố gắng ra sức ngăn ngừa:

“Ngay lập tức, tôi sai những thành viên mạnh khỏe trong nhà, cùng với sự hỗ trợ của một số thanh niên người Kinh dựng một chòi tranh trong rừng. Rồi, trước khi ngày mới bắt đầu, khi chưa một ai trong làng nghi ngờ điều gì đã xảy ra, chúng tôi đã di chuyển bệnh nhân ra chòi tranh đó. Tất cả những người Kinh đã mắc bệnh này lúc nhỏ, còn tôi đã được tiêm chủng lúc hai hay ba tuổi; vì thế chúng tôi không sợ lắm. Trong gần hai tháng, cho đến khi bệnh nhân đầu tiên được chữa lành hẳn, không một ai được đến gần anh ta, ngoại trừ tôi và các anh em người Kinh. Không có trường  hợp nào khác xảy ra trong làng, và chúng tôi bắt đầu hy vọng rằng  Kon Kơ Xâm đã thoát khỏi tại họa này…”. (P. Dourisbour, Dân Làng Hồ).

Hàng ngày, các cha và các chú giúp người Kinh mang cơm nước, thuốc men cho các bệnh nhân, cùng an ủi họ…

Tại một số làng khác, khi thấy rõ ràng không thể nào tránh được bệnh nữa, thì họ cũng không cần cách ly bệnh nhân, vì vậy sự truyền nhiễm lây lan rất nhanh, gần như cả làng đều đồng loạt mắc bệnh. Số ít người còn khỏe chỉ lo chạy trốn, đồng ruộng bỏ hoang, không trồng trọt gì nữa đến nỗi sau cơn dịch, người ta lâm vào cảnh đói kém.

Riêng tại các làng Công giáo, các linh mục và tín hữu đã có kế hoạch: không những tất cả các bệnh nhân đều được chăm sóc mà những người đã được chữa khỏi hoặc chưa mắc bệnh đều lo công việc nương rẫy. Vì thế, khi cơn dịch qua đi, thì cũng tránh được nạn đói xảy ra tiếp theo.

Bệnh lan đến vùng phía bắc Kontum, làng Kon Trang và các làng lân cận bị lên trái, nên dân làng Kon Trang phân chia tứ tán… Nhờ cha Dourisboure, cha Do và các chú giúp đến thăm viếng, lo thuốc men, nên ít bị chết như mấy làng khác.

Dịch đậu mùa cũng gây thiệt hại đến công việc giáo dục. Năm 1861 đã bắt đầu xuất hiện chữ viết Bahnar theo mẫu tự Latin do các linh mục thừa sai soạn thảo. Đây là một sự kiện nổi bật khi ấy, nó có ý nghĩa mở đầu cho thời kỳ văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Sau đó đã có một lớp học được mở ra huy động được 17 học sinh…Trong cơn dịch bệnh đậu mùa thời kỳ này, dân tộc Bahnar có nhiều người mắc bệnh và chết. Lớp học không được duy trì nữa, và cũng từ đó chữ viết của người Bahnar bị mai một trong một thời gian5 (Kon Tum 100 năm lịch sử và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia 2013).

Các trận dịch lớn ở Tây Nguyên
Năm 1893: Vào tháng 3 năm 1893, xảy ra nạn dịch đậu mùa lớn ở Kon Tum. Trong vòng 1 tháng, dịch đã làm 180 người chết trong cùng một làng,  sau đó dịch lan nhanh ra các làng lân cận và hầu khắp các vùng của tỉnh Kon Tum làm chết  hàng ngàn người.
Các thừa sai Vialleton và Guerlach đã mua vắc-xin từ bên Pháp về tiêm phòng cho hơn 7.000 người cả lương cả giáo. Nhờ đó đã ngăn chặn dịch bệnh (P. Ban, Truyện các đấng mở đàng giảng đạo Mọi Kontum, Chức Dịch Thơ Tín số 47, 3-1937).
Năm 1905một cơn dịch bệnh đậu mùa đã hoành hành dữ dội trong những buôn làng của bộ tộc Jrai trọng yếu, trong vùng Hà Bầu thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay. Cha Jannin (Cha Phước), sau này sẽ trở thành Giám mục Đại diện Tông toà thứ nhất của miền truyền giáo Kontum, đã đến cứu giúp những con người xấu số mà những phù thủy lẫn các yang của họ không thể nào cứu nổi (Tiểu sử Cha Gabriel Nicolas, Văn khố MEP: www.mepasie.org).
Năm 1932- 1933, Kon Tum tiếp tục xảy ra dịch đậu mùa trong hai năm liên tiếp làm cho 5000 người mắc bệnh và tử vong (Kon Tum 100 năm lịch sử và phát triển).

MINH SƠN

>> Vị Giám mục nhặt rác