Những chuyến hành hương nhuốm màu du lịch

Khi việc hành hương không diễn tả đúng ý nghĩa và mục đích tốt đẹp vốn có của nó thì những người tham gia cuộc hành hương cũng sẽ có những biểu hiện không đúng với tinh thần của những người đang cùng nhau cử hành những việc đạo đức.

Hành hương là du hành đến một linh địa có liên quan đến Chúa, Đức Mẹ hay một vị thánh nào đó để cùng nhau tham dự các cử hành phụng vụ và đạo đức chung. Hành hương là lắng đọng tâm hồn để gặp gỡ Chúa, để sau chuyến đi tâm linh các tín hữu được bồi dưỡng và canh tân lại đời sống trong Đức Kitô.

Hành hương là một điều cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh của các tín hữu. Trong ảnh: Vương cung thánh đường La Vang, một địa điểm hành hương nổi tiếng.

Mục đích việc hành hương bị biến dạng

Thế nhưng một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay mục đích và ý nghĩa của việc hành hương đã bị biến dạng ít nhiều, với đa số giáo dân, hành hương chỉ là một hình thức du lịch với những người bạn cùng giáo xứ và linh mục hướng dẫn.

“Người hành hương đi đến đền thánh, hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong “cuộc hành trình thánh” (Tv 84,6) mà còn với chính Chúa nữa…” (*).

Thế nhưng, vì không tham dự hành hương với ý thức đức tin và lòng mến sâu xa, họ dễ dàng tranh giành chỗ ngồi tốt trên xe, thậm chí có trường hợp gian lận, “đi lậu” tức là không có vé hay chưa đăng ký vẫn lên xe, không có việc nhường nhịn ghế cho người già, không giữ gìn vệ sinh chung…

Điều tệ hại nhất là thay vì thinh lặng nội tâm để gặp gỡ Chúa, để tạ ơn về những ơn lành Chúa đã ban, để nhận ra thánh ý Chúa và cả những lỗi phạm của mình thì họ lại rất ồn ào, mất trật tự ngay cả khi bước vào những nơi tôn nghiêm.

Đó là chưa kể trong những ngày sinh hoạt chung tránh sao những đụng chạm, nếu không mở lòng ra với Chúa và với nhau như mục đích của việc hành hương thì việc nói hành, nói tỏi, gièm pha chỉ trích nhau là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người sau cuộc hành hương về là từ mặt nhau, nặng nề hơn là nói bóng, nói gió nhau trên trang mạng cộng đồng.

Chỉ những giáo dân khá giả mới thực hiện được

Lòng nhiệt thành của các linh mục hướng dẫn và nỗi khao khát tìm gặp Chúa của từng tín hữu là điều không thể thiếu khi đến với các cuộc hành hương. Tuy nhiên, không phải giáo dân nào cũng có khả năng tìm gặp Chúa tại những linh địa xa xôi như đất thánh Palestina hay đến với Đức Mẹ Lộ Đức, Fatima hoặc đi hành hương khắp các nhà thờ trong các giáo phận của cả nước…

Với những chiếc smartphone, thời gian đi vào nội tâm để gặp Chúa cũng sẽ ít đi và thay vào đó là việc tranh thủ ghi lại những bức ảnh tại các địa danh. Cách nào đó hành hương thời nay chẳng khác nào chuyến du lịch của nhữn người cùng đạo.

Vì thế, nếu xem việc hành hương như một trong những hoạt động đạo đức chính của giáo xứ thì chỉ có những giáo dân khá giả, giàu có mới có khả năng thực hiện được việc đạo đức đó mà thôi.

Hành hương là một điều cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh của các tín hữu, tuy nhiên để đạt được mục đích này, mọi hoạt động phải được thực hiện trong tác động của Chúa Thánh Thần.

Những linh địa hành hương chỉ là điều kiện CẦN. Còn điều kiện ĐỦ để gặp được Thiên Chúa chính là cõi lòng của con người.

“Khi cuộc hành hương được thực hiện đúng cách, người tín hữu sẽ rời ngôi đền thánh với quyết tâm “thay đổi cuộc đời”, nghĩa là hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa một cách cương quyết hơn.

Như thế, người hành hương ước mong đem lại cho cuộc sống của mình một chiều kích siêu việt hơn” . (*)


(*) Trích sách Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

ĐIỀN PHƯƠNG THẢO

>> Lộ Đức – thành phố xe lăn