Trong thánh lễ Chúa nhật liền đó, ngài còn giảng “ai đóng góp nhiều là thương Chúa nhiều, ai đóng góp ít là thương Chúa ít” (?!)
Giáo xứ tôi khoảng hơn 2.000 giáo dân, đa số là dân lao động nghèo. May nhờ mấy năm qua cùng với việc cải tạo dòng kênh nên nhà cửa của nhiều người có phần khang trang hơn. Ngôi nhà thờ hai tầng cũng mới được hoàn thành hơn ba năm trước, phần lớn kinh phí là đi xin từ các xứ đạo lớn trong thành phố. Mọi công trình khác như nhà xứ, nhà giáo xứ, nhà hài cốt… đã được các cha xứ tiền nhiệm lo toan, đâu ra đó cả rồi.
Theo cha, giáo xứ cần lắp đặt một thang máy để giúp các cụ già yếu lên Nhà Chúa dễ dàng. Khi các cụ qua đời thì mang quan tài lên cũng thuận lợi. Tổng kinh phí dự trù cho công trình chỉ khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Trong đó, đã có một cha gốc giáo xứ hứa sẽ vận động góp cho 40-50 triệu đồng.
Có thể chuyện thu xếp tài chính bây giờ thì con số hai, ba trăm triệu không đáng gì. Tuy vậy, tôi và không ít giáo dân bổn đạo có suy nghĩ: Nên chăng, cần thiết chăng phải có cái thang máy to đùng để chuyển các cụ lên đi lễ và khi chết chở được cả cỗ quan tài lên với Chúa… như mục đích, yêu cầu? Kinh phí đó đã tiên lượng việc đập phá một phần kết cấu của nhà thờ để có chỗ lắp đặt, sẽ phát sinh ra sao?
Đó vẫn là chuyện nhỏ. Chuyện đáng nói, đáng suy nghĩ là chuyện hình thức. Hình thức ngay từ tên gọi, từ cách đặt vấn đề. Nó có gì giông giống ngoài đời, thích hình thức, phô trương.
Công trình năm thánh Lòng Chúa Thương Xót sao không thể là những công trình Yêu Thương thiết thực, như chăm lo giúp đỡ người nghèo có hoặc không có đạo trong phường, hoặc giúp các xứ đạo vùng sâu vùng xa nơi đồng bằng sông nước hay núi rừng Tây Nguyên. Những nơi đó, chỉ cần 100-200 triệu đồng là đã có nơi thờ phượng khang trang.