Chính trong thời gian ở tại Giang Xá, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết hai cuốn sách nổi tiếng là Đường Hy vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công đồng Vaticano II và cuốn Những người lữ hành trên Đường Hy
vọng.
Tôi theo chân ông T.L lên cầu thang gỗ dựng đứng trong căn nhà nhỏ tại phố cổ Hà Nội. Trên những kệ đầy sách, ông rút ra cuốn Đường Hy vọng đã bám màu thời gian, phủ đầy những kỷ niệm về Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đôi tay hơi run, ông lật giở từng trang để chỉ cho tôi thấy và kể cho tôi nghe những câu chuyện về Đấng Đáng kính.
Đạp xe 20 cây số để gặp Đức Hồng y
Từ năm 1978 đến 1982 Đức Hồng y ở tại nhà thờ Giang Xá thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. “Khi đó ở Hà Nội, một số tín hữu đã bắt gặp được nhiều tư tưởng mới của Ngài về đời sống đức tin dưới ánh sáng Công đồng Vaticano II. Nhóm chúng tôi chừng 4, 5 người thường đạp xe đến Giang Xá, cách trung tâm Hà Nội gần 20 km để có thể gặp gỡ Ngài. Mối thân tình cha con bắt đầu từ đó và càng gần gũi hơn khi Ngài ở tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội những năm 1988 trở đi”, ông T.L kể.
“Ngài bình dị lắm!”, đôi mắt trầm ngâm của ông T.L khép lại để truy hồi về một thời được cận kề bên Đức Hồng y. “Lúc đó, rất ít giáo dân được tiếp xúc với Ngài vì đang trong thời gian quản thúc. Căn phòng nhỏ của Ngài đơn giản hết mức có thể với bộ tràng kỷ cũ, chiếc giường cùng vật dụng cá nhân”.
Về cuốn sách Đường Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công đồng dày 533 trang, để trong tấm bìa da xanh sẫm, khổ nhỏ bằng n a tờ A4, ông kể: “Hôm đó tôi cùng bà xã qua thăm Đức Hồng y để trò chuyện. Ngài chia sẻ với chúng tôi rất nhiều trăn trở về đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam hiện tại.
Sau đó, Ngài lấy ra cuốn sách kèm tập tranh màu nho nhỏ đem từ Roma về. Đó là những bức tranh về các loài hoa kèm những câu trích thiêng liêng bằng tiếng Ý. Do vợ chồng tôi không thông thạo ngoại ngữ nên Ngài vừa dán ảnh vào những khoảng trống ở đầu các chuyên mục vừa ân cần giải nghĩa cho chúng tôi. Ngài còn tự tay viết những câu trích dẫn trong tranh bằng tiếng Việt ngay bên cạnh. Cả thảy có sáu bức như thế!”.
Nhiều người lo ngại vì sức ảnh hưởng của cuốn sách
Lúc đó, điều kiện in ấn hết sức khó khăn. Giấy dùng để in khi ấy là giấy ngả vàng thời bao cấp, số lượng phát hành sách của Đức Hồng y cũng chỉ tới trăm cuốn là cùng.
Vì vậy, những cuốn sách “đời đầu” này cực kỳ hiếm và ít ai có được. “Gia đình tôi thì coi đó như một kỷ vật quý giá, một dấu ấn khó phai với cố Đức Hồng y. Không chỉ thế, nó còn là những tư tưởng, ánh sáng dẫn đường cho đời sống của nhà tôi. Chính vợ tôi đã ghi lại những dòng chữ ở đầu cuốn sách để có thể ngừng lại, ngẫm suy về những điều Đức Hồng y viết”.
Những dòng chữ bà viết lại mờ mờ theo cái lướt đi của thời gian nhưng vẫn còn đậm suy tư: “Những khi quá mất mát đắng cay/ Những lúc gần gục ngã trong cuộc sống/ Con lại đọc sách này/ Để tâm hồn náo nức mê say/ Từng giờ từng phút từng giây”.
Theo ông T.L, cuốn sách Đường Hy vọng làm cho nhiều người lo ngại vì sức ảnh hưởng của nó. Thêm nữa, Tu hội Hy vọng do chính ngài lập ra cũng hoạt động khá mạnh mẽ giữa thời thế nhiều biến đổi. Chính những ý tưởng Hy vọng của Ngài đã làm thức tỉnh, truyền cảm hứng cho giáo dân trong đời sống đức tin cũng như thường nhật. Ba bộ vãn dâng hoa kính Đức Mẹ tại Tổng Giáo phận Hà Nội lần lượt được viết trong thời gian đó cũng đượm tinh thần Hy vọng của Đức Hồng y!
Một tình yêu với Huế qua những điều nhỏ nhặt
“Cha đã đi một quãng đường/ Hân hoan có, gian khổ có nhưng luôn tràn trào hy vọng”. Đó là lời mà Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói về Ngài và quả thực cuộc sống của Ngài đã như những gì Ngài nói.
Ông T.L tiếp tục nhặt nhạnh tiếp trong ký ức của mình về những hình ảnh một người Cha hy vọng luôn luôn trong đời sống vốn nhiều trúc trắc.
“Ngài có một tình yêu đối với Huế của mình qua những điều nhỏ nhặt. Có lần tôi gặp Ngài, Ngài kể nhiều về món tré của người cố đô với tình yêu dung dị”. Trong thời gian Ngài ở gần chỗ Công viên Thống Nhất hiện nay, thấy mấy anh công an canh giữ ngài đang đọc, viết gì đó, Ngài hỏi: “Các anh học gì đấy?”. Họ đáp: “Chúng cháu học ngoại ngữ chuyên ngành”. Khi đấy, Ngài bảo các anh đưa giấy, bút và những từ cần phiên dịch. Ngài đã viết mấy ngàn từ chuyên ngành với nhiều thứ tiếng, từ Việt, Anh, Pháp, Nga.
“Có lẽ kể về Đức Hồng y mãi thì chẳng hết được vì nhiều lắm!”, ông T.L trầm tư. Đức Hồng y bình dị trong những công việc nhỏ bé mà lại có những cái nhìn rất xa cho tương lai Giáo hội. Nhiều lần Ngài chia sẻ tâm nguyện mua một miếng đất bên sông Hồng để xây một ngôi nhà thờ kính các thánh tử đạo Việt Nam.
Những lo lắng của Ngài về chủng sinh, linh mục với trăn trở “khi ở Chủng viện thì các thầy theo luật của Chủng viện, còn khi làm cha rồi thì theo luật của mình”. Ngài còn lo xa cho hàng giáo phẩm tại miền Bắc sau này vì nhân sự còn quá yếu.
“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”. Mượn câu trích trong Đường Hy vọng của cố Đức Hồng y để tạm khép cuốn sách kỷ niệm về Ngài, về những câu chuyện vắn vỏi của Ngài tại Hà Nội.
Những ý tưởng đó sẽ mãi vương vấn, nảy mầm trong mưa hồng ân của Thiên Chúa. Và rồi, mỗi chấm, mỗi phết qua đi trong cuộc đời đều là mỗi phết, mỗi chấm của Hy Vọng.
Ngày 4-5-2017, Ủy ban Hồng Y và Giám mục thuộc Bộ Tuyên Thánh tại Vatican đã biểu quyết đồng loạt chấp nhận án tuyên thánh của tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Với bước ngoặt quan trọng này, Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận sẽ tiến gần hơn đến việc được phong Chân Phước và cuối cùng là được tuyên Hiển Thánh. |
AN DUYÊN
>> Linh mục Nguyễn Văn Vinh: Người viết hợp xướng và nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam