Mới đây, chúng tôi được cha Gioakim Đinh Văn Hợp, một linh mục đang phụ trách Giáo xứ Chiêu Ứng, Giáo phận Hưng Hóa, cùng với một giáo dân thân quen của cha, cũng là hướng dẫn viên du lịch, tháp tùng đi một vòng từ Phú Thọ sang nước Lào.
Tìm đến “nhà” Giám mục
Từ trung tâm thành phố Điện Biên đến cửa khẩu Tây Trang mất hơn một giờ lái xe. Làm thủ tục nhập cảnh xong, sang tới phần đất của nước Lào, chúng tôi lại tiếp tục đi dọc theo các đường có nhiều dốc đèo hiểm trở. Cũng như tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, người dân tại Lào mà chúng tôi gặp khi đi trên đường là những người dân tộc thiểu số.
Nước Lào có 16 tỉnh và thủ đô là Viên-chăn. Mãi đến 5 giờ chiều, chúng tôi mới đến được Luang Phrabang là kinh đô của Lào. Tại đây có nhiều khách sạn nhỏ do người Việt làm chủ.
Chúng tôi ở qua đêm tại nhà khách của chị Hoa, một người Công giáo quê Nam Định. Chị Hoa và mấy người con tiếp đón chúng tôi rất chu đáo. Từ nhà nghỉ của chị đến “nhà” của Giám mục (Bishop House) mà người dân thường gọi là Tòa Giám mục chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ.
Sáng hôm sau, chúng tôi tìm đến Tòa Giám mục để viếng thăm và cũng để xin được dâng thánh lễ. Thoạt đầu có hai linh mục trẻ người Lào ra gặp chúng tôi.
Trong thời gian chờ được “tiếp kiến” Đức Giám mục, qua thăm hỏi tôi được biết cùng với một linh mục nữa ở nơi khác, hai cha vừa mới được Giám mục truyền chức vào ngày 16 tháng 9 năm 2016.
Các cha cho biết, người Công giáo tại Lào chỉ chiếm khoảng 1% trong số hơn bảy triệu dân và hiện nay, Giáo hội Công giáo tại Lào có bốn giám mục và hơn 20 linh mục. Trong khi đó, người theo Phật giáo chiếm trên 60% dân số.
Vị Giám mục giám quản tông tòa
Tại căn nhà chính, phía bên phải là chỗ dành để tiếp khách, còn phía trái dành cho việc cầu nguyện và dâng thánh lễ. Chúng tôi đợi một lát thì thấy một người đàn ông hơn 70 tuổi từ trên gác đi xuống. Qua giới thiệu của hai linh mục trẻ, đó là Đức Giám mục Tito Banchang, Giám quản Tông tòa Luang Phrabang.
Giáo hội Công giáo Lào cho đến nay chưa được phép thành lập một Giáo phận nào, chưa có Hội đồng Giám mục. Bốn Giám mục chỉ là những vị Giám quản Tông tòa do Tòa thánh Vatican chỉ định.
Vì thuộc thế hệ trước nên Đức cha không thông thạo tiếng Anh như hai linh mục trẻ, nhưng lại dễ dàng nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ngài rất vui mừng khi có khách viếng thăm. Ngoài việc hỏi thăm từng người trong chúng tôi, về Giáo hội Việt Nam, Đức cha cũng chia sẻ một vài thông tin về đời sống đạo của người tín hữu tại Lào.
Theo Đức cha, tại Lào, cho đến nay chưa được phép thành lập một Giáo phận nào. Thế nên chưa có Hội đồng Giám mục. Bốn Giám mục chỉ là những vị Giám quản Tông tòa do Tòa thánh Vatican chỉ định.
Có những dấu hiệu khả quan như mới đây tại Viên-chăn, khoảng 7 ngàn người Công giáo được công khai tham dự thánh lễ phong Chân phước cho 17 vị Tử đạo người Lào.
Ngoài ra, Giáo hội Lào cũng mới có thêm ba tân linh mục người bản xứ. Thế nhưng người Công giáo tại đây vẫn còn nhiều khó khăn, các giám mục, linh mục và tu sĩ chưa dễ dàng thi hành sứ vụ.
Cũng nên biết, ngay từ năm 1630, tại Tongking, Viên-chăn, đã có sự hiện diện của các nhà truyền giáo là các linh mục Dòng Tên. Từ năm 1878 lại có các vị thuộc Hội Thừa sai Paris đến rao giảng Tin Mừng.
Ngày 8 tháng 12 năm 1885, Giáo hội tại Lào chính thức được khai sinh và ít lâu sau vào năm 1889, Tòa thánh đã có thể bổ nhiệm các Giám mục Tông tòa. Sau này, vào năm 1935, còn có các cha Dòng OMI đến phục vụ cho người nghèo, sinh sống tại những vùng đồi núi ở miền Bắc.
Sau khoảng 15 phút nói chuyện, chính Đức cha dọn lễ cho chúng tôi.
Ngày hôm sau, lại đi trên các đường đèo, chúng tôi về đến Viên-chăn là Thủ đô của Lào, nghỉ qua đêm, rồi về lại Việt Nam qua Cửa khẩu Cầu Treo của Nghệ Tĩnh để kết thúc chuyến đi.
LM VINH SƠN NGUYÊN HOÀ, SSS