Từ lúc 8 tuổi, cô từng trốn nhà đi thi hát ở huyện, đến khi được vào vòng trong mới gọi điện về thông báo cho gia đình. Mười năm sau cái lần trốn nhà đi hát lén ấy, cô đã đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển đầu vào của Nhạc viện TP.HCM. Cô là Diệu Hiền, người được biết đến như một trong những ca sĩ tài năng nhất của thế hệ ca sĩ phòng trà hiện nay.
“Cô Tấm” năm nào ngồi ghế giảng viên thanh nhạc
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc, tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, Diệu Hiền lại có sở thích âm nhạc từ nhỏ.
Mẹ cô dù không phải là người thích hát và dù lúc đầu không muốn con theo đuổi nghiệp ca hát, nhưng vẫn luôn động viên và hy sinh để con gái đi theo niềm đam mê của mình.
Sở hữu một chất giọng đẹp, âm vực rộng, có thể đẩy nốt nhạc vút cao bằng một giọng soprano bay bổng, rồi bất ngờ hạ xuống âm vực trầm – contralto. nhưng Người ca sĩ ấy lại không phải gốc con nhà nòi.
Diệu Hiền tham gia ca đoàn thiếu nhi Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc từ năm vào lớp 3. Cùng thời gian này, năm 2001, năm trốn nhà đi thi, cô tham gia cuộc thi Tiếng hát tuổi trẻ Long Khánh và đoạt giải nhất.
Năm 2002, cô đoạt giải nhì Tiếng hát phát thanh – truyền hình Đồng Nai rồi đoạt giải tư Tiếng hát truyền hình TP.HCM, một năm sau đoạt giải triển vọng Sao Mai toàn quốc năm 2003.
Hết bậc THPT, cô nữ sinh sở hữu bốn giải âm nhạc ấy quyết định nộp hồ sơ thi vào Nhạc viện TP.HCM. Chính cô cũng không ngờ lần đó mình đạt thủ khoa thi vào Nhạc viện.
Ngồi ghế Nhạc viện TP.HCM 10 năm, tốt nghiệp cao học thanh nhạc loại giỏi năm 2013, Diệu Hiền đã từng công tác tại Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP trong 6 năm liền, trước khi trở thành giảng viên thanh nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM.
“Quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi không hề bằng phẳng, tôi đã từng đi múa đám cưới, hát tiệc cưới, thi văn nghệ giùm công ty này, trường kia…, dựng chương trình, hát bè, hợp xướng…
Nhưng chính những công việc phong phú đó đã giúp tôi vững vàng hơn trong chuyên môn, biết thông cảm với bạn bè đồng nghiệp và bình tâm hơn trước những khắc nghiệt của nghề”, Diệu Hiền trải lòng.
Khi hát thánh ca như được trở về ngôi nhà đầy ắp yêu thương
Đến nay, hơn 10 năm từ khi mới chập chững vào nghề ca hát và hát thánh ca, cô đã không thể nhớ nổi đã biểu diễn bao nhiêu nơi cả trong và ngoài nước, thu âm bao nhiêu ngàn bài thánh ca…
Cô nhận được rất nhiều tình cảm từ quý tu sĩ, nhạc sĩ, cộng đoàn dân Chúa khắp nơi. Mặc dù hoạt động ở ngoài đời lẫn trong đạo nhưng cô vẫn được ưu ái với tên gọi “Diệu Hiền Thánh Ca”. “Tôi hết sức hạnh phúc và tạ ơn Chúa về điều đó”, Hiền tâm sự.
Hát đến ngần ấy thánh ca, chắc là Diệu Hiền có rất nhiều kỷ niệm đẹp? Tôi cắt dòng suy nghĩ khi cô nàng đang có vẻ trầm tư.
Ngập ngừng giây lát, cô mở lòng: “Nhiều lắm anh ạ! Nhưng kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là những giọt nước mắt mình bắt gặp từ phía khán giả. Họ đồng cảm với lời hát của Diệu Hiền. Họ cảm nhận được tình Chúa trong những ca khúc thánh mà Diệu Hiền thể hiện. Đó là nguồn ơn nuôi dưỡng cảm xúc vô tận của con chiên hát về Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng”.
Rồi cô dạt dào: “Từ khi bước chân theo con đường hát thánh ca, cuộc sống của Diệu Hiền bình yên hơn, công việc cả đời lẫn đạo phát triển hơn. Tạ ơn Thiên Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn Hồng Ân!”
Hát thánh ca khác hẳn hát nhạc đời ấy chứ! Tôi buột miệng hỏi. “Cộng đoàn luôn dành cho người nghệ sĩ tình cảm chân thành nhất, dù hôm ấy có thể vì lý do sức khoẻ hát không tốt, hay quên lời… Nhưng những tràng pháo tay giòn giã vang lên sau mỗi lần hát xong, Hiền hiểu họ yêu mình thực sự.
Rồi những cái nắm tay, những cái ôm rất chặt khi mình chào hỏi… Thương lắm! Con chiên của Chúa luôn thánh thiện và bao dung nên khi được hát thánh ca, Hiền như được trở về chính ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương của mình vậy”, Diệu Hiền trải lòng đầy tin yêu.
Nghệ thuật tử tế sẽ được đáp trả bằng cả trái tim
Ngược dòng thời gian, Diệu Hiền cũng từng mất mấy năm trăn trở, tìm tòi để định hướng cho con đường âm nhạc của mình, cho đến khi gặp Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
“Những gì nghệ thuật tử tế mang lại sẽ được đáp trả bằng tình cảm chân thành của người yêu nhạc đúng nghĩa”
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, lúc sinh thời kinh doanh phòng trà Tiếng Dương cầm. Diệu Hiền được một người bạn thân dẫn đến xin được hát trong nhóm bè của phòng trà. Thấy ở cô ca sĩ này khả năng phát triển hơn nữa, Nhạc sĩ đã nâng cô thành giọng solo chính và âm thầm nâng đỡ, dìu dắt.
Cô thường xuyên góp mặt trong các CD, đêm nhạc của vị nhạc sĩ đáng kính ấy. Ngoài ra, Diệu Hiền còn được ông ưu ái tặng riêng cho ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm. Thật ra, đây là ca khúc ông viết về mối tình tri kỷ trong âm nhạc với một nữ danh ca, nhưng Diệu Hiện đã đồng cảm và thể hiện thành công ca khúc này.
Chính Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đệm dương cầm cho Diệu Hiền hát Lặng lẽ tiếng dương cầm trong lần thu âm đầu tiên, do hãng Vafaco phát hành. Sau lần đó, cô được các hãng đĩa để mắt tới và mời thu âm rất nhiều ca khúc trữ tình trước 1975. Bước ngoặt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của cô có lẽ đã bắt đầu từ đó…
Trước khi chào tạm biệt nữ ca sĩ có khuôn mặt khả ái nhiều mến mộ ấy, tôi không quên gửi lại một câu hỏi để ngỏ: Với tình hình hoạt động âm nhạc phong phú, đa dạng và có phần hỗn loạn như hiện nay, chắc là người ca sĩ cũng phải chật vật để tìm được chính mình?
Diệu Hiền đã không ngần ngại: “Có nhiều tầng lớp khán thính giả khác nhau, họ yêu thích nhiều dòng nhạc khác nhau. Nhưng Diệu Hiền tin, những gì nghệ thuật tử tế mang lại sẽ được đáp trả bằng tình cảm chân thành của người yêu nhạc đúng nghĩa”.
Đến nay, Diệu Hiền đã phát hành 2 album riêng Cánh hoa Hiền và Chờ người. Với thánh ca, cô cho biết mãi đến nay mới thực hiện một CD thánh ca mang tên Chúa Cười, hợp tác với Nhạc sĩ Quang Phúc – Bidostudio. Cô dành toàn bộ lợi nhuận cho việc bác ái và đã phát hành một ít tại Mỹ, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. |
TRẦN H. UYÊN PHƯƠNG
>> Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản: Công đoàn là nơi thanh lọc thánh ca