Linh mục – Nhạc sĩ Thiều Quang viết bài “Vĩnh biệt” trước cuộc đại phẫu

Được ra đời khi tác giả, Linh mục - Nhạc sĩ Thiều Quang, chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật sinh tử, bài hát "Vĩnh biệt" mang đến cho người nghe cảm nhận sâu sắc về kiếp người.

Linh mục – Nhạc sĩ Antôn Thiều Quang

Linh mục trẻ Antôn Bùi Văn Thiều (Hội Thừa sai Việt Nam), tức Nhạc sĩ Thiều Quang bắt đầu sáng tác vào những năm đầu tìm hiểu đời tu trì 1996, khi thấy mình trong lúc liên lỉ nguyện cầu luôn tạo ra được những nét nhạc. Cho đến nay, Linh mục – Nhạc sĩ Thiều Quang vẫn duy trì cảm xúc âm nhạc đó, dù theo cha, những nét nhạc thời ấy đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Và Vĩnh biệt là một trong những sáng tác đặc biệt nhất của cha.

Nói lời chia tay trước bằng bài hát

Sứ điệp mà vị nhạc sĩ trẻ muốn nhắn gửi trong Vĩnh biệt là:“Cuộc trần này rồi ai cũng sẽ có ngày vĩnh biệt, có ngày ra đi trút bỏ lại tất cả, ra đi trong cô đơn và trắng tay”.

Trước khi bước vào một cuộc đại phẫu thuật mổ tim, biết mình rất có thể sẽ vĩnh viễn lìa xa trần thế, trong một luồng cảm xúc đặcbiệt chạy dọc khắp người, cảm nhận được cái chết rất cận kề, Linh mục – Nhạc sĩ Thiều Quang đã xuất thần sáng tác bài hát Vĩnh biệt, với những lời trầm buồn như một lời chia tay với cuộc đời.

Nhắm mắt xuôi tay tôi trở về với cát bụi
Trút hết thương đau tôi đi về cõi Thiên linh.

Sâu lắng, tha thiết, khắc khoải ngay từ những nét nhạc đầu tiên, lại được dệt trên nền gam Mi thứ, khiến Vĩnh biệt đã buồn càng trầm buồn hơn. Đứng trước làn ranh giữa sự sống và cái chết, khó ai cưỡng được bản ngã của con người. Là một linh mục trẻ, đầy lòng nhiệt thành trong trách vụ thừa sai, cha An-tôn Thiều Quang cũng phải đối mặt trước “vườn cây dầu” mà nguyện “Xin Cha cất chén này với con”. Thế rồi thật nhiệm mầu, Thiên Chúa đã không để cha ra đi cách dễ dàng như vậy.

Nhạc sĩ kể lại: “Khi tôi báo tin cho bạn bè ngày sẽ bước vào cuộc đại phẫu thuật, một số bạn bè của tôi vì đã cảm nghiệm sâu bài Vĩnh biệt này nên đã điện thoại báo tin cho nhau. Họ nói: “Chắc Thiều Quang không qua được ca phẫu thuật này vì đã viết Vĩnhbiệt”.

Bản “thánh ca cầu hồn”

Ca khúc sau đó được Ca sĩ Xuân Phú trình bày khá thành công trên nền phối khí của Nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh. Kỹ thuật ly điệu lạ thường từ Mi thứ sang Mi trưởng rồi ngọt ngào trở về nơi xuất phát của chính tác giả, cùng với nền nhạc hòa âm đầy tinh tế và tài tình của người phối khí, ta luôn nghe có tiếng chuông “định mệnh” vang lên từ khởi đầu đến kết thúc, khép lại một kiếp người.

Mặc dù không phải là một bản thánh ca, nhưng nét nhạc đầy tình tự và lời trần tình đầy thương đau, đã khiến người nghe không khỏi nghĩ ngay đó là một bản “thánh ca cầu hồn” thánh thiện và thiêng liêng!

Dù vậy, với tấm lòng khiêm hạ vốn có, cha An-tôn Thiều Quang đã xác nhận: “Đây không phải là bài thánh ca mà là một ca khúc viết lên gửi cho mọi người và mọi thời”.

Mà đúng vậy! Hãy nghe phần sau tác giả viết:

Ngước mắt trông lên tôi thấy trời đang khép lại
Nước mắt tuôn rơi thương tiếc đời quá mong manh.

LM – NS Antôn Thiều Quang
– Quê quán: Tân Hiệp, Kiên Giang (Giáo phận Long Xuyên)
– Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn
– Ơn gọi linh mục: Hội Thừa Sai Việt Nam
– Mục vụ: Linh mục Phó xứ Nam Thiên, Giáo phận Ban Mê Thuột
– Linh hướng Cursillo Giáo phận Ban Mê Thuột

Linh Hướng Gia đình Đamien
– Thành viên Ban Thánh nhạc Giáo phận Ban Mê Thuột

“Buồn và bi quan quá cha ạ?”, tôi hỏi ngài.

Cha nói: “Con người đối diện với cái chết mà! Cha mẹ, thầy cô, bề trên, đồng môn, giáo dân và bạn bè… tất cả đều trở nên rất thân thiết với mình. Phút chốc mất tất cả ư? Tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu thương con, để con có tất cả mà phụng sự Chúa nơi mọi người”.

Cho đến nay, Nhạc sĩ Thiều Quang đã sáng tác nên 150 ca khúc thánh ca, nguyện ca, tâm tình ca. Con số này tuy không nhiều nhưng không hề nhỏ đối với một nhạc sĩ trẻ vẫn đang “tập tành viết thánh ca”. Nhưng chỉ một số ít trong số 150 tác phẩm được cha An-tôn phát hành trên đĩa nhạc và Youtube vì hoàn cảnh khách quan và khó khăn. Ước mong sắp tới của cha An-tôn Thiều Quang là các bài thánh ca, tâm tình ca sẽ tiếp tục được đến với nhiều tín hữu Công giáo và công chúng khắp nơi hơn.

Trong từ Hán Việt, Thiều nghĩa là đẹp và Quang là ánh sáng. Thiều Quang có nghĩa là ánh sáng đẹp, ánh sáng bình yên, ánh sáng mùa Xuân. Thiều Quang đã chọn tên này từ trước giai đoạn sáng tác vì luôn mong ước trở nên “một chút ánh sáng đẹp cho đời”. Tác giả của Vĩnh biệt đã chia sẻ một chút về ý nghĩa của nghệ danh Thiều Quang của mình như vậy.

Bài Vĩnh biệt của Nhạc sĩ Thiều Quang

XUÂN THÁI

>> Giai thoại thánh ca: “Con đường Chúa đã đi qua” viết từ cú bật ngã trên luống cày