Chuyện cha sở “xé rào”

Đến giờ nhiều giáo dân ở đây vẫn còn nhớ tiếc những hình ảnh sống động trong mỗi thánh lễ. Đó là những tràng pháo tay chào đón linh mục chủ tế, nhất là mỗi khi có cha khách. Những cái bắt tay nồng nhiệt đi kèm nụ cười thân ái, câu chào chúc nhau bình an.

Thánh lễ luôn vui tươi với những tràng pháo tay, những cái bắt tay chúc bình an thân thiện, ấm áp.

Vào các lễ Chúa nhật, cả cộng đoàn cùng đọc chung Lời Chúa trên những tờ giấy được in đặt sẵn. Riêng thánh lễ cho thiếu nhi, hàng trăm em đồng loạt mở Tân Ước trên tay sau khi một em nào lĩnh xướng bài Thánh thư hoặc linh mục xướng Phúc âm rồi tất cả nghiêm trang cất giọng, ngắt, dừng câu đúng chỗ, và cúi hôn Sách Thánh trang trọng.

Chưa nói tới chuyện cả cộng đoàn được tham gia tích cực và chủ động trong thánh lễ, mà thiết nghĩ chỉ việc cho thiếu nhi biết cách mở Kinh Thánh đúng, nhanh như thế đã là một điều đáng quí, giúp các em hình thành lòng yêu mến, biết đọc Lời Chúa từ khi còn nhỏ.

Việc làm này kéo dài gần 20 năm, trải suốt mấy đời giám mục, nhiều linh mục từ các nơi cũng có dịp chứng kiến, chưa một ai có ý kiến gì ngoài chuyện khen.

Vậy mà, tất cả đã bị xóa sạch! Linh mục mới về nhận xứ, đã ra lệnh ngưng áp dụng, yêu cầu cộng đoàn phải thực hiện “kỷ luật phụng vụ, phụng tự của Hội Thánh!”.

Để thuyết phục, cha sở mới còn mời một linh mục chuyên giảng dạy ở đại chủng viện về làm mấy buổi “lên lớp” với cơ man nào là qui định, là luật được lôi ra ở những văn kiện này, văn kiện kia mà chắc cả đời giáo hữu mấy ai biết.

Rồi cách đây hơn chục năm, ngày thứ Năm Tuần Thánh, cha sở “xé rào” chọn toàn người nữ (là mẹ hoặc bà) làm tông đồ thực hiện nghi thức rửa chân. Việc này cũng bị phản đối khá gay gắt, thậm chí có mấy cụ ông “xốn mắt” bỏ ngang buổi lễ ra về, đến mấy ngày sau vẫn còn kháo nhau rằng đàn bà làm tông đồ chỉ bẩn mắt, đàn bà là không xứng đáng, ngày xửa ngày xưa còn bị cấm ngặt bước chân tới cung thánh, cấm rờ vào bàn thờ… Người ta viện lệ, viện truyền thống, chứ chẳng mấy ai biết luật để viện dẫn chê bai, phản đối.

Sau này tôi cũng mới biết có “luật” về chuyện tông đồ và nhớ lại chuyện được bất ngờ lôi lên rửa chân trong một dịp thứ Năm Tuần Thánh, tại một nhà thờ gần nơi làm việc. Hôm đó, cả nhà thờ đâu chỉ được hơn chục người, cả nam phụ lão ấu, có mấy cụ quá già yếu cha sở mời lên đều lắc đầu từ chối, tới lượt tôi cũng từ chối với lý do rất thực là chưa xưng tội Mùa Chay. Cha sở vẫn nài kéo lên.

Cả “tông đồ đoàn” hôm ấy đủ mặt nam, nữ, trẻ, già, chân đất, chân giày, người rước lễ, người không! Đó cũng là lần gây ấn tượng sâu sắc nhất trong đời, dù sau này cũng có được gần chục năm liên tục áo quần bảnh bao, tắm rửa sạch sẽ lên ngồi ghế cho cha sở rửa chân!

Mấy năm trước gần đây thôi, Đức Phanxicô dâng thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh, cử hành nghi thức rửa chân trong một trại tù, có cả những nữ phạm nhân, người Hồi giáo, nhiều người ăn mặc nhếch nhác dơ dáy. Năm sau, nhiều nơi đã làm theo có chọn thêm mấy bóng hồng để rửa chân. Người nào cũng rực rỡ, ngào ngạt mùi nước hoa sang trọng, hí hửng ra mặt vì được tuyển chọn.

Chạnh nghĩ, chẳng biết có chính xác không, một câu lời Chúa được ghi trong Kinh Thánh: “Lề luật được lập ra cho con người chứ không phải con người cho lề luật”.

PHÙNG NGHỊ

>> Khi bục giảng bị sử dụng sai… công năng