Bà con lương giáo trong vùng Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang) vẫn thân thương gọi Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp là Ông Hai. Ông Hai vẫn sống giữa lòng quê hương, bên cháu chắt xa gần.
Vùng đất sinh nhiều ơn gọi
Hằng năm, nhất là những năm gần đây, vào dịp giỗ, có hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ về vùng đất quê hương cha Trương Bửu Diệp để hành hương kính viếng.
Bà Maria Lê Thị Mẫu Đơn, năm nay 67 tuổi, tự hào là có quan hệ với Cha Diệp. Bà giải thích rằng ông nội của bà chính là bõ (cha) đỡ đầu rửa tội cho Ông Hai. Bà cũng thuộc dòng họ với cố Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận. Gia đình bà Đơn cũng dâng cho Chúa hai nữ tu, một đang ở Mến Thánh Giá Sóc Trăng và một ở Dòng Kín (Bỉ).
Bà Đơn cho biết, họ đạo nhỏ bé quê hương của cha Diệp, tính đến nay đã trổ sinh rất nhiều ơn gọi. Ngoài Đức Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận, cố Giám mục Giáo phận Cần Thơ, còn có gần 20 linh mục, hơn 100 tu sĩ nam nữ. Con số này có thể còn nhiều hơn, nếu như sau năm 1975 một số tu sĩ không thể tiếp tục ơn gọi vì nhiều lý do.
Ngôi nhà cha Diệp sinh ra và lớn lên thời thơ ấu trước khi vào Chủng viện Cù Lao Giêng vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhà của cha chỉ cách xa nhà thờ Cồn Phước hiện nay hơn 100 m, cách nhà bõ đỡ đầu đúng hai căn. Mộ phần thân sinh của cha cũng ngay trong Đất Thánh cạnh khuôn viên nhà thờ.
Trước đây, nhà cha được mấy người cháu ở lại trông nom. Trong đó có ông Tám Tùng, sống bằng nghề nông và buổi sáng bán bánh mì trước sân nhà. Nay vì sinh kế, ông ít có mặt ở quê. Bà con lối xóm cho hay đồ đạc trong nhà hầu hết không thay đổi gì, cũng đơn sơ giản dị.
Vật đáng quý nhất, có lẽ là cái tủ gỗ, được gia đình nhiều đời làm bàn thờ. Mấy năm trước, có Hội Cha Diệp ở bên Mỹ về mượn. Sau đó họ đã mang trả lại cho con cháu của cha. Tiếc là chúng tôi không gặp được cha Giuse Nguyễn Hùng Sơn, Chánh xứ Cồn Phước, để xác minh xem có phải chiếc bàn ấy giờ được đặt làm bàn thờ cha Diệp phía tiền sảnh nhà thờ hay là một bản “phục chế” khác.
Hao mòn dấu tích của Cha Diệp
Ngôi nhà thờ nơi cha được rửa tội xây dựng năm 1890. Do trải qua bao năm tháng, lại ở giữa vùng thường xuyên ngập lụt nên đã xuống cấp và phải trùng tu nhiều lần. Vì vậy nó cũng ít nhiều mất đi dấu ấn của Cha. Mộ phần cụ thân sinh Cha nay đã khang trang kiên cố nhưng cây thánh giá bằng đá được cất giữ ở đâu thì không ai biết. Nhà cha có được trùng tu sửa chữa phần nào chắc cũng là do con cháu…
Vào dịp giỗ Ông Hai, hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về hành hương kính viếng. Đài cha Trương Bửu Diệp tại Giáo xứ Cồn Phước.
Liệu có cách nào để giữ gìn như một thánh tích hay không? Tôi cứ băn khoăn, nhất là khi nghĩ tới một ngày gần đây cha sẽ được Giáo hội vinh danh.
Cồn Phước, theo lưu truyền được mang tên của cụ Lê Văn Phước. Cụ là người đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp cho nên được cư dân nhắc đến với lòng biết ơn. Xứ sở này được bồi đắp bởi phù sa sông Tiền với diện tích chỉ hơn 125 ha, mang hình hài một trái bí đao.
Khách hành hương đến đây bằng nhiều ngả đường. Thuận tiện nhất, có lẽ từ TP Long Xuyên, với lộ trình chỉ non 20 km, qua phà An Hòa, theo các tỉnh lộ 944, 942.
PHÙNG NGHỊ
>> Linh mục Nguyễn Văn Vinh: Người viết hợp xướng và nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam