Gọi tôi là ‘Nhạc sĩ Tiến Lộc’ thì tôi xấu hổ lắm

Là tác giả của những bài ca nổi tiếng như Anh em ta về, Gặp gỡ Đức Ki-tô, Tân ca và đã sáng tác hơn 300 các khúc, nhưng Cha Yuse Tiến Lộc chỉ nhận mình là nhạc sĩ “bất đắc dĩ”. “Người ta cứ gọi tôi là ‘nhạc sĩ Tiến Lộc’ thì tôi xấu hổ lắm”, cha tâm sự.

HOÀNG MẠNH HÀ

Nhiều thế hệ người Công giáo và người Việt nói chung biết Cha Yuse Tiến Lộc là Voi Hoạt Bát, là Trưởng Voi, nhưng còn khá nhiều người không biết cha là một nhạc sĩ sáng tác. Trong lần đến giao lưu với anh em Dàn nhạc Harmonica Việt Nam (VNHO), cha nói cha chỉ “khoe” hai bài: Anh em ta về và bài Gặp gỡ Đức Ki-tô. Nhiều bạn trẻ đã ồ lên vì những bài này hát từ nhỏ mà không biết tác giả của nó đang ngồi nói chuyện rất ấm áp, thân tình với mình ngay tại đây.

Con đường đến với âm nhạc của Cha Yuse Tiến Lộc nhẹ nhàng, tự nhiên. Ảnh: Hồi ký Nén bạc và Dấu chân voi

Đến với harmonica từ một cái tát

Cha Tiến Lộc kể, cây harmonica là chiếc cầu nối đầu tiên đưa cha đến với âm nhạc. 

Trong một lần đi chơi, thấy cây harmonica của ai để trên bàn, cậu bé Tiến Lộc đã cầm lên thổi. Thế rồi chủ nhân của chiếc kèn đã nổi giận cho một cái tát vì thổi kèn của người khác như vậy là mất vệ sinh. “Tôi biết thổi harmonica là nhờ cái tát đỏ. Trẻ con mà, thấy kèn là đưa lên thổi thổi. Có lẽ ân hận vì tát tôi nên hôm sau ông ấy đưa chiếc kèn đến cho tôi. Năm 10 tuổi, di cư vào Nam, vật quí nhất tôi mang theo là chiếc harmonica”, Cha Tiến Lộc kể.

Từ khi có chiếc kèn, Cha đi Sói Con, các bài Sói Con cha thổi thuộc hết. Trong đoàn cha được bầu chức quản ca, ghi các bài hát và thổi harmonica cho anh em hát.

“Âm nhạc nó vào mình từ cái thuở bé như thế”, Cha nói. 

Một cơ duyên nữa đem cha Tiến Lộc đến với âm nhạc đó là lúc bé được giúp lễ cho Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh, là nhạc sĩ sáng tác đầu tiên của Việt Nam, học Nhạc viện Paris (xem thêm Cuộc đời Cha chính Vinh). Khi ấy các ca đoàn thiếu giọng nữ, các ca đoàn dựng nên thì có ¾  là giọng nam. Thế rồi cha Vinh lựa mấy chú giúp lễ. Cậu bé Lộc được cha Vinh chọn vào hát bè… soprano. Âm nhạc của cậu bé Lộc được giáo dục từ lúc đó.

“Tôi có biết đôi chút âm nhạc nên trở thành nhạc sĩ sáng tác “bất đắc dĩ”. Vì đi hướng đạo cho nên phải sáng tác nhạc để  anh em hát cho vui. Nhờ cái trường hợp bất đắc dĩ như thế nên người ta cứ gọi tôi là “nhạc sĩ Tiến Lộc” thì tôi xấu hổ lắm, mặc dù sáng tác ca khúc hơn 300 bài”, cha Tiến Lộc chia sẻ.

Cách học sáng tác độc đáo

Trong hồi ký Nén bạc và Dấu chân voi cha có kể lại việc học sáng tác nhạc. 

“Tôi không có khả năng để sáng tác những bài nhạc lớn, dù đã học hàm thụ tất cả các giáo trình của Nhạc sĩ Tiến Dũng. Nhưng vì nhu cầu sinh hoạt giới trẻ, Thiếu nhi Thánh thể, Hùng tâm Dũng chí, Hướng đạo cho nên tôi đã tập viết nhạc. Điều này tôi học từ cha Tiến Dũng.

Ký tặng sách Hồi ký Nén bạc và Dấu chân voi cho ca sĩ Diệu Hiền. Ảnh: Hoàng Mạnh Hà

Trong các tập viết ca khúc thì ngài dạy: Nếu muốn sáng tác nhạc, trước tiên là thực tập viết lời bằng các lấy một số bài hát dân ca và những bài hát phổ biến của nước ngoài tập đặt lời vào. Đặt lời vào xong rồi thấy mình điều chỉnh được lời vững rồi, niêm vận cước vận hẳn hoi rồi bấy giờ đến phần tập đặt nhạc. Lấy những câu ca dao hay những ý tưởng Việt ngữ đặt nhạc vào, khi đứng vững trên hai chân rồi thì anh hãy sáng tác cả nhạc lẫn lời.

Ngay từ những năm cuối ở Đệ tử (1963-1964) tôi đã viết lời cho gần bốn chục bài hát, trong đó có những bài còn sống đến bây giờ như bài Kìa nhìn xem trên kia là nhạc Pháp, tôi dịch sát nghĩa với các bộ điệu”.

Cha Tiến Lộc kể sau này cha cũng áp dụng cách học sáng tác kể trên cho cha Quang Uy, khi cha Uy mới bắt đầu sáng tác. Cha Quang Uy viết tiếng Việt rất giỏi cho nên đặt lời cũng rất hay.

Sau thời gian cha Tiến Lộc đi tù về thì Cha Quang Uy và Văn Khoa khoe đã làm được 200 bài. 200 bài hát này rất giá trị và hay được nhiều ca đoàn bây giờ hát lại.

Linh mục – Nhạc sĩ Quang Uy, người viết chung với Cha Tiến Lộc rất nhiều ca khúc. Ảnh: Hồi ký Nén bạc và Dấu chân voi

Từ kinh nghiệm sáng tác nhạc bằng cách đặt lời vào nhạc rồi đặt nhạc vào lời của người khác, rồi sau cùng sáng tác ra bài của mình vẫn còn tiếp diễn. Sau này, bài Anh em ta về là nhạc và lời của cha Tiến Lộc được cha Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự) viết thêm lời vào để dạy giáo lý. Bài Gặp gỡ đức Ki-tô thì được cha Quang Uy viết thêm 8 lời để biến thành Trường ca Đức Ki-tô.

Bài Anh em ta về được nhiều người hát, ngay cả những đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản cũng hát, nhưng chẳng mấy ai biết đó là sáng tác của Cha Yuse Tiến Lộc.

Cha Tiến Lộc còn nhiều bài viết chung với người khác từ những chuyến đi sinh hoạt. Từ một ý tưởng do người khác gợi ý là cha viết được một bài nhạc. Những bài nhạc từ ý hoặc lời của người khác do Cha Tiến Lộc viết nhạc, hoặc từ nhạc của người khác mà cha viết lời lên đến gần 100 bài. Những bài do cha sáng tác cả nhạc và lời cũng trên dưới 100. Sau này lác đác những bài giáo lý nho nhỏ cũng được ngót 100 bài.

Những kinh nghiệm sáng tác hiệu quả này, cha lại đem đến chia sẻ trong các lớp linh hoạt viên. Cha khuyến khích anh em sáng tác nhạc đơn giản cho giới trẻ. Từ đó những linh hoạt viên lứa đầu như Ý Vũ, Việt Dũng, Lê Đức Hùng, Khắc Dũng (nhóm Lửa Hồng) đã có những sáng tác đầu tay. Sau này họ thành những nhạc sĩ Công giáo viết rất đều tay.