Bí mật bộ chuông Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang trong thời kỳ trùng tu. Trong dịp này, dàn chuông cổ không những được tu sửa, khôi phục như cũ mà còn đem lại rất nhiều âm thanh mới mẻ.

Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà lần đầu tiên vang lên gióng giả tại đỉnh đồi cao nhất của vùng Sài Gòn – Gia Định đến nay là 140 năm. Còn nếu tính từ khi bộ chuông Nhà thờ Đức Bà được hãng Bollée (Pháp) chế tạo cũng đã 143 năm. Sau chừng đó thời gian, các chuông vẫn còn rất tốt, không có dấu hiệu bị nứt hay hư hỏng. Thành của chuông nơi quả tạ đánh vào chỉ bị lõm không đáng kể…

Ông Chín đạp chuông để bắt đầu gõ chuông. Ảnh: PTG

Bảy nốt nhạc mà chỉ có sáu quả chuông

Cả sáu chiếc chuông đều được làm bằng đồng, ở rìa có đúc thêm gang để bảo vệ chống rỉ sét. Trên mỗi chuông đều đúc nhiều hoa văn đẹp mắt và cực kỳ tinh xảo. Nhà sản xuất đã khắc tên của từng quả chuông dọc theo thân. Sáu chiếc chuông được đặt tên theo sáu nốt nhạc: Do, Re, Mi, Sol, La, Si.

Ông từ của Nhà thờ Đức Bà, thường gọi là ông Chín (tên thật là Phạm Vĩnh Nha) có thâm niên hơn 30 năm trông coi nơi này. Ông Chín dẫn tôi theo các bậc thang đá tròn xoắn ốc để lên tầng trên.

Từ đây theo các thang sắt nhỏ có bậc bằng gỗ đã cũ kỹ để leo lên tháp chuông. Gỗ sàn tháp chuông cũng đã cũ và mục nhiều, đơn vị khảo sát phải đặt lưới dây thừng để đề phòng tai nạn. Từ đây có thể quan sát rất rõ các quả chuông cũng như cách bố trí.

Khi lắp đặt, kiến trúc sư J.Bourad đãphân bố hai chuông La và Si (tổng trọng lượng 10,1 tấn) đặt tại tháp chuông bên trái. Bốn chuông còn lại (tổng trọng lượng 14 tấn) đặt tại tháp chuông bên phải, hướng gần với Bưu điện Sài Gòn.

Do tổng khối lượng chuông rất lớn, nên tường nhà thờ chỗ tháp chuông dày tới 1,4 m để có thể chịu được sự rung lắc của đà gỗ khi các quả chuông nặng đến hơn hai chục tấn cùng chuyển động.

Để chuông hoạt động, có sáu mô tơ điện sẽ kéo dây xích để lắc chuông. Do bốn quả chuông Sol, La, Si, Do có trọng lượng quá lớn, mô tơ không thể khởi động được, nên cần có người đứng trên đạp phụ để chuông bắt đầu lắc.

Để đạp bốn chuông cần bốn người, nhưng ông Chín cho biết một người cũng có thể đạp hai chuông bằng cách đạp theo thứ tự chuông lớn trước, chuông nhỏ sau. Khoảng thời gian từ lúc đạp cho đến lúc chuông bắt kêu khoảng 5-10 phút, đủ cho người đạp chuông rời khỏi tháp chuông trước khi chuông rền vang vì tiếng chuông rất lớn, có thể vang xa tới 10 km.

Do cần nhiều người vận hành chuông nên nhiều năm qua ngày thường nhà thờ chỉ đánh một chuông là chuông Mi lúc 5 giờ và chuông Re vào lúc 16 giờ 15. Vào ngày Chúa nhật và lễ trọng nhà thờ sẽ đổ ba chuông Do, Re, Mi. Chỉ vào dịp Giáng sinh mới đổ đồng loạt cả sáu quả chuông.

Một câu hỏi rất lớn là tại sao lại chỉ có sáu quả chuông và không có chuông mang nốt Fa? Có người giải thích, lý do là chuông nhà thờ gõ theo giai điệu đặc biệt nên không dùng chuông Fa.

Thế nhưng Cha Tổng Đại diện, Chánh xứ Chính toà Inhaxiô Hồ Văn Xuân cho biết đó chỉ là lời phỏng đoán chưa có căn cứ, hiện vẫn chưa tìm được tài liệu nào giải thích cụ thể về sự việc này. Hy vọng sau này hãng Bollée sẽ cung cấp được lời giải bí ẩn.

Các chuông được treo trên hệ thống đà gỗ rất bền chắc. Ảnh: PTG

Nhạc chuông báo giờ, điều hiếm ai biết

Ít người biết rằng chuông Nhà thờ Đức Bà còn có thể đánh ra giai điệu nhạc mỗi khi báo giờ và những người từng có cơ hội chứng kiến điều này chỉ còn rất ít. Từ năm 1978, vì nhiều lý do mà hệ thống báo giờ này đã dừng hoạt động.

Được cấu tạo với hai hệ thống đánh chuông khác nhau: Chuông lễ được gõ bằng quả lắc trong lòng chuông và chuông báo giờ gõ bằng một chiếc búa đặt bên ngoài chuông, vuông góc với hướng chuyển động của chuông. Trong một lần khởi động, do chuông báo giờ gõ trùng với chuông lễ, nên búa gõ của chuông Sol đã bị đánh gãy chưa sửa được.

Để có thể đánh chuông báo thức mỗi giờ, hệ thống chuông được kết nối và điều khiển bởi chiếc đồng hồ báo giờ nằm giữa mặt chính của nhà thờ, giữa hai tháp chuông. Đây là chiếc đồng hồ hiệu R.A do Thụy Sĩ sản xuất vào năm 1887, kích thước rất lớn với chiều dài 3 m, ngang 1 m và cao 2,5 m.

Đồng hồ được nối với mặt bên ngoài nhờ một trục thép dài 3 m. Cứ ba tháng một lần đồng hồ được ông Chín rửa bằng dầu hôi, rồi sau đó tra dầu máy may vào nên mặc dù đã lâu năm vẫn hoạt động tốt, không hỏng hóc hay bị sai giờ.

Thật khó hình dung những thay đổi sẽ diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà sau khi được trùng tu. Mong mọi người cùng chung tay đóng góp để việc trùng
tu có nhiều thuận lợi và sớm hoàn thành như dự kiến.

Phía sau lưng máy đồng hồ có một đồng hồ nhỏ, chỉ cần nhìn vào sẽ biết đồng hồ lớn bên ngoài đang chỉ mấy giờ. Trong trường hợp bị sai giờ, quay cần điều khiển để chỉnh lại. Mặc dù kết nối qua nhiều chi tiết máy và hai chiếc kim chỉ giờ phút ở bên ngoài rất lớn nhưng việc chỉnh lại rất nhẹ nhàng, không mất nhiều sức.

Dưới đồng hồ có một quả lắc phát ra những tiếng tíc tắc mỗi khi đồng hồ hoạt động. Điều thú vị là tiếng tíc tắc này có thể chỉnh được để ra âm thanh khác nhau. Thông qua một nút vặn nhỏ ở trục quả lắc, có thể chỉnh âm thanh dễ dàng ngay cả khi quả lắc đang chạy.

Đồng hồ chạy được là nhờ hệ thống dây cót kéo một quả tạ nặng tầm 600 kg, được treo dọc theo tháp chuông bên phải. Vào năm 1973 xảy ra một sự cố, dây cót bị đứt khiến quả tạ rơi xuống đất. Để phòng tránh tai nạn nếu xảy ra sự cố trở lại, quả tạ cũ được thay bằng quả tạ khác chỉ nặng 60 kg. Do giảm đi gần 10 lần trọng lượng nên vào thứ Hai hằng tuần đồng hồ lại được lên dây cót một lần, trong khi trước đó một tháng mới phải lên dây cót một lần. Để lên dây cót người ta phải gắn một cần quay maniven vào đồng hồ và quay đủ 150 vòng.

Hai bên đồng hồ vẫn còn hệ thống đánh chuông riêng, kết nối với hai tháp chuông hai bên, nhưng do lâu ngày cũng đã hư hỏng.

Chờ đợi tiếng chuông mới

Cha Hồ Văn Xuân cho biết, Ban trùng tu dự kiến sẽ đặt mua thêm hai chuông mới để nâng tổng số chuông lên tám chiếc. Điều này sẽ tạo nên sự đa dạng hơn cho giai điệu của hệ thống chuông. Hai chuông mới là những chuông có âm nào, có chuông Fa hay không… sẽ có câu trả lời sau khi chốt làm việc với phía đối tác.

Hệ thống mô tơ mới sẽ tự khởi động chuông không cần người đạp nữa, nên có thể đánh được nhiều chuông hơn hiện nay và cũng dễ dàng đánh bất cứ lúc nào. Toàn bộ hệ thống chuông sẽ được điện tử hóa, dùng remote điều khiển rất đơn giản.

Nhờ đó, việc đánh chuông theo giờ sẽ được khôi phục và hệ thống dữ liệu phối cho các chuông sẽ có từ một đến hai ngàn bản nhạc khác nhau. Tùy theo mùa, tùy theo lựa chọn trước mà đến mỗi giờ hệ thống chuông sẽ phát ra bản nhạc nào đó.

Đây hẳn là tin vui, tạo nên sự mong đợi của giáo dân cũng như người dân Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung.

TÊN CHUÔNG ĐƯỜNG KÍNH TRỌNG LƯỢNG
Chuông Sol 2,25 m 8.745 kg
Chuông La 1,90 m 5.931 kg
Chuông Si 1,70 m 4.184 kg
Chuông Do 1,69 m 3.150 kg
Chuông Re 1,45 m 2.194 kg
Chuông Mi 1,25 m 1.646 kg

PHẠM TRƯỜNG GIANG

>> Cuộc đời Cha chính Vinh