“Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn lên đau xót? Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con? Ôi, sao lại dành cho con, hay vì Ngài…?”.
Khi ấy, Linh mục – Nhạc sĩ Chu Văn Chi (tức Paul Văn Chi, Văn Chi, Văn Uyên, Thu Văn) đã đau đớn thốt lên như vậy trong lúc ngã trên luống cày. Rồi như “bừng tỉnh”, ngài lớn tiếng trong niềm tin phó thác cậy trông: “Xin cho con bước đi với Ngài. Xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang!”.
Mỗi ngày gánh 120 đôi thùng nước tưới
Cha Văn Chi bắt đầu nhớ lại: “Mùa Phục sinh năm 1978, chúng tôi mỗi ngày gánh 120 đôi nước lao động để tưới cây thuốc lào và vườn rau. Vì mùa này nước rất cạn, mỗi lần kín nước là một lần phải cúi xuống với hai thùng nước và mũi phải chạm vào cây cầu gỗ như hôn cầu tới khoảng 120 lần vậy! Sau 15 năm học hành trong các chủng viện, khi lao động trên ruộng đồng nông trường, những luống rau và luống thuốc lào trơn trượt, áo quần thốc thếch, tôi té lên té xuống tưởng chừng có lúc kiệt sức…”.
Cha Văn Chi xúc động nói: “Hứng nhạc bừng lên, tôi đã sáng tác ca khúc này trong tin yêu và phó thác, hy sinh trọn vẹn ngay trên ruộng đồng. Sau đó, tôi đã ghi lại những nốt nhạc và ngay chiều tối tập cho ca đoàn Hương Trường Giang hát đầu tiên trong thánh lễ tại giáo xứ Thái Hòa (Cái Sắn, Kiên Giang). Con đường Chúa đã đi qua như một tâm tư để lên đường bước theo con đường Chúa đã đi qua”.
Đêm hôm đó, bản nhạc được viết trên luống cày đã hoàn thành phần ký âm, hòa âm và ca từ của ba phiên khúc với một điệp khúc.
Bài thánh ca ngay sau đó trở nên nổi tiếng vì giai điệu mượt mà, sâu lắng, tiết tấu nhả nhịp đầy tình tự, được dệt trên nền lời nguyện đầy tâm tình tự vấn, độc thoại với Thiên Chúa Cha cùng con chí thánh của Ngài. Ca sĩ thâu băng đầu tiên có lẽ là Lệ Hằng, sau đó là Như Mai.
Nhiều ca sĩ khác trong các CD cũng có nhạc phẩm này. Không lâu sau đó, Con đường Chúa đã đi qua đã được dịch sang phiên bản tiếng Anh với tựa đề The Way of love và được một nữ ca sĩ người Mỹ hát, ghi hình (bởi Muziboo Music Recording) rồi phát trên Youtube.
Cha giáo không cho học đàn vì sợ xuất tu
Cha Văn Chi bắt đầu sáng tác từ năm 16 tuổi, khi còn là cậu học trò lớp đệ tứ (lớp 9) niên khóa 1964 – 1965 qua ca khúc đầu tay Tình yêu Chúa bằng câu mở đầu: “Tình yêu Chúa vượt muôn biên giới, Chúa ơi!”, với hai bè đơn giản theo kiểu đối âm. Bài này được Linh mục – Nhạc sư Tiến Dũng tuyển vào Sách Bài mẫu.
“Tôi thấy vinh dự lắm, vì là đứa con đầu lòng mà! Tuy thế, tôi vẫn không được chọn học đàn, vì quý cha giáo sợ tôi xuất tu mất. Thế là tôi đành chấp nhận”, vị nhạc sĩ tài hoa chia sẻ.
Các sáng tác của Nhạc sĩ Paul Văn Chi có nhiều phong cách đặc thù khác nhau, kết hợp giữa ngũ cung Việt Nam và nét nhạc Âu – Mỹ, dựa trên nền tảng Thánh Kinh, đặc biệt là Thánh Vịnh được thai nghén trong tâm tình Việt Nam, như là những lời kinh trong cuộc sống thường ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, Linh mục – Nhạc sĩ Văn Chi đã sáng tác được khoảng 1.400 nhạc phẩm thánh ca và nhạc sinh hoạt. Tất cả gói ghém khoảng 83 tác phẩm các loại: Âm nhạc và các tác phẩm văn hóa Việt Nam, từ Việt Nam trước năm 1975 và sau đó tại Philippines, Australia, Hoa Kỳ… Phát hành tổng cộng 38 CD và DVD thánh ca.
Đây quả là một đóng góp đồ sộ cho nền thánh nhạc Việt Nam nói riêng, thánh nhạc nói chung. Trong đó bản đại hợp xướng Nữ vương Việt Nam được trình diễn tại nhiều quốc gia cùng với dàn nhạc giao hưởng thính phòng Hoa Kỳ, Sydney (Úc châu)…
Nhạc sĩ Paul Văn Chi: – Chủ tịch Tuyên úy đoàn Liên bang Úc châu. – Linh hướng Hội Nhạc sĩ Công giáo Việt Nam Hải ngoại. – Tuyên úy Ca đoàn Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Sydney. – Tuyên úy Liên ca đoàn Lê Bảo Tịnh. |
XUÂN THÁI