Mùa phong chức nghĩ về thân phận linh mục

Có con làm linh mục là mất đi một chi trên cây gia phả. Bởi linh mục phải sống đời độc thân, không vợ con. Độc thân hay khiết tịnh là lời thề hứa đầu tiên, tiếp theo là khó nghèo và cuối cùng là vâng phục thẩm quyền của vị giám mục hay bề trên nhà dòng.

Hằng năm thường vào cuối tháng Tư đến tháng Bảy, khắp các giáo phận, dòng tu đều như rộn ràng mùa phong chức linh mục. Năm nay bị vướng trận đại dịch Covid 19 lễ phong chức chậm trễ hơn mọi năm. Vừa hết lệnh giãn cách xã hội, Giáo Phận Ban Mê Thuột là nơi tổ chức lễ phong chức linh mục đầu tiên trong cả nước vào ngày 19-5.

Tuần này, nhiều giáo phận khác đã tổ chức lễ phong chức linh mục, nhiều giáo phận cũng đã niêm yết danh sách rao các tiến chức. Mùa phong chức năm nay đã chínhh thức vào thời kỳ “rộ mùa”.

Một thánh lễ truyền chức linh mục tại Giáo phận Thanh Hóa

Nhận sứ vụ hơn là chức vụ

Trước đây chỉ một vài nơi, cụ thể như giáo xứ nơi có gia đình tân chức ngụ cư thì giáo dân mới biết tin về chuyện phong chức và dễ mấy ai trong đời một lần được trực tiếp tham dự thánh lễ với những nghi thức rất trang trọng và cảm động này.

Bây giờ với phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua các trang web của các giáo phận, dòng tu nhiều người có thể biết rõ ngày nào, ở giáo phận nào tiến hành lễ phong chức. Hàng ngàn, hàng vạn giáo dân đều có thể dễ dàng tham dự các nghi thức tổ chức ở những quảng trường lớn, có truyền hình trực tiếp qua kênh Youtube của các giáo phận.

Đầu tháng Bảy này, gia đình tôi có một cuộc lễ chung mừng kỷ niệm 25 năm, 20 năm, 15 năm và 10 năm linh mục của bốn cậu cháu. Trong đó có hai người “thâm niên” đang phục vụ tại giáo phận Đà Lạt, hai người còn lại phục vụ tại Hoa Kỳ.

Cha Giuse Tạ Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Học viện Don Bosco Đà Lạt, hiện là chánh xứ Liên Khương tâm sự: “Làm linh mục là đảm nhận một sứ vụ, chứ không phả là nhận chức vụ quyền bính. Để trở thành linh mục như lòng Chúa ước mong là biết bao nỗ lực không ngừng với sự yêu thương nâng đỡ của Thiên Chúa, cầu nguyện của cộng đoàn”.

Với tôi, từ lâu rồi, cứ mỗi lần đọc tin, xem hình ảnh về những lễ phong chức linh mục ở đây đó, trong cũng như ngoài nước, tôi vẫn không giấu được những xúc động, lắm khi nhạt nhòa nước mắt. Cảm xúc dâng trào nhất là khi thấy các tân chức nằm phủ phục trước bàn thờ, rồi sau đó được vị giám mục chủ phong, các linh mục khác đặt tay trên đầu chúc phúc. Tôi biết, làm linh mục không phải là một nghề, mà là một sứ vụ, một ơn gọi, một đòi hỏi dấn thân cho cộng đoàn, cho Giáo hội.

Những chọn lựa không dễ dàng

Làm cha sở coi một xứ đạo nào đó dù nhỏ với chỉ vài ba trăm giáo dân hay lớn hơn với một, hai vạn giáo dân đều có những vất vả riêng kiểu như “làm dâu trăm họ”. Còn làm linh mục trong một dòng tu nào đó, còn khó khăn, khổ sở hơn, nhất là với những dòng tu sống đời chiêm niệm, cầu nguyện ngày đêm và lao động.

Cha mẹ có con duy nhất làm linh mục thì đúng là “tuyệt tự” không có cháu nối dõi, cũng không mong con có thể phụng dưỡng. Oái oăm thay, hầu hết các linh mục đều tuấn tú, thông minh, đẹp trai, lịch thiệp… nên có nhiều cô “mê”, và cũng không ít linh mục sa ngã, vướng lụy tình. Bộ phim ngắn Chọn lựa do Dòng Tên Việt Nam thực hiện mới đây, kể chuyện một chủng sinh đã được bề trên chọn để trao ban sứ vụ linh mục đã phải đấu tranh giằng xé thế nào đối với mối tình của anh với một người con gái.

Tôi biết rõ nhiều trường hợp. Có người sớm tỉnh cơn mê. Có người càng gỡ càng quấn chặt thân. Có người can đảm xin về nhà sống đời vợ chồng. Có người lén lút buông thả đời mình, dối lừa tất cả.

Đã đành đi tu là chấp nhận dâng, chấp nhận hủy cuộc đời mình cho lý tưởng là Đức Ki-tô, là Giáo hội, nhưng ta cũng thấy chạnh lòng.

Tôi không trách cứ hay kết án một linh mục nào trong số những người do cách này, cách khác đã vướng lụy tình. Tất cả mang kiếp nhân sinh và dục tính vốn đã có sẵn trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tính dục đã có sẵn ngay từ đầu khi Chúa dựng nên người nam, người nữ và nó là cái thiện tiên nguyên của kiếp người. Đó là suy nghĩ có tính triết học hay thần học.

Còn về mặt sinh học thuần túy, các linh mục không đòi buộc phải ăn chay hay tìm cách diệt dục như tôn giáo bạn. Họ ăn uống đầy đủ và có quyền được ăn uống mọi thứ trên đời nên nhu cầu dục tính nơi các linh mục trẻ hẳn là không đến nỗi “tồi”. Họ phải cầu nguyện, làm việc để vượt qua.

Cơn cám dỗ cuối cùng trong nhà hưu dưỡng

Một người bạn linh mục đã chia sẻ với tôi thế này, vượt thắng những cơn cám dỗ dục tính đối với các linh mục là khó nhưng không thể không được. Thế nhưng đến một lúc nào đó, một tuổi nào đó, các linh mục thường đứng trước cơn cám dỗ “được làm cha”, nghĩa là được làm bố của ít nhất một đứa con từ chính máu thịt mình, đứa con đó sẽ tiếp nối cuộc đời trần thế.

Hình ảnh các tân chức nằm phủ phục trước bàn thờ luôn tạo những cảm xúc dâng trào nơi những người tham dự thánh lễ phong chức. Trong ảnh: Lễ phong chức linh mục tại Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy, GP Phan Thiết.

Có dịp thăm, gặp gỡ các linh mục trong nhà hưu dưỡng mới thấy thương các ngài. Già rồi, tất nhiên không còn mẹ cha, anh chị em ruột cũng già nua bệnh hoạn hay đã về với Chúa, các cháu cũng thế. Còn giáo dân, nhất là các cô gái trẻ đâu còn thích thân cận với mấy ông cha già lãng đãng, không còn sức trẻ, nét hào hoa, giọng lúc như ru, lúc sấm vang hùng biện trên tòa giảng một thời…

Bây giờ là hết hơi, chờ hấp hối, hạ huyệt. Lúc đó, ai dám bảo trong lòng các ngài chẳng dậy lên những nỗi niềm đắng cay, vật vã ước ao một người con, một người cháu thân thương máu mủ ruột rà bên cạnh?

Thực tế, hầu hết các linh mục đã có đời sống quảng đại, hy sinh cả đời mình cho sứ vụ là “người chài lưới đánh bắt các linh hồn”, là “thợ gặt”, là “người làm chứng”… Vài chục năm gần đây, trước khi bước vào đời tu với ước mong trở thành linh mục, hầu hết các ứng viên là những thanh niên đã tốt nghiệp đại học, sau đại học, họ có ngành nghề chuyên môn là bác sĩ, kỹ sư, kiên trúc sư, giáo viên… thừa sức lấy vợ đẹp, có con ngoan và có cuộc sống sung túc. Điều gì đã khiến họ có những chọn lựa bước vào đời tu, một cuộc đời không phải tìm cách, tìm chỗ ẩn thân, quên mối hận đời, quên tình đen bạc mà là một cuộc dấn thân.

Tôi biết, cha N. (ở Lâm Đồng), gần 20 năm qua kể từ ngày chịu chức linh mục, cha vẫn gắn bó với gần chục ngàn giáo dân, hầu hết là đồng bào các sắc tộc, ở trên gần chục giáo điểm cách xa nhau mấy chục cây số đường rừng. Cha thường xuyên ngược xuôi tìm mọi cách lo cho bà con, từ tấm tôn lợp nhà, giếng nước sạch cho những thôn làng thiếu thốn.

Cha lo đến cây bút cuốn vở, đôi dép cho học sinh nghèo đến trường. Lâu lâu tôi lại thấy cha kéo một bầy trẻ nhếch nhác, đen nhẻm, tóc cháy khô, cùng mấy bà già dân tộc thiểu số hom hem về thành phố khám chữa bệnh. Nhà dòng bên Mỹ gọi sang học và muốn cử cha đến làm việc ở một vùng đất mới của Úc. Thế nhưng cha đã trở về với những người khốn khó hơn ở vùng đất Tây Nguyên..

Tôi cám ơn Chúa, vì ngài vẫn hiện diện qua các linh mục tốt lành như ngài mong ước. Tôi thực sự kính yêu các vị linh mục như thế.

THẠCH PHÙNG

>> Xuất khẩu… ơn gọi